Thị trường cuối năm: Chủ động nguồn hàng, bảo đảm bình ổn giá
Cập nhật lúc 16:32, Thứ ba, 22/10/2013 (GMT+7)
Thị trường cuối năm luôn có những diễn biến phức tạp về giá. Chính vì vậy, việc bảo đảm nguồn cung hàng hóa thiết yếu, chủ động trong điều tiết cung cầu, hạn chế hành vi găm hàng, tăng giá bất hợp lý… là một trong những công cụ để Bình Dương chủ động bình ổn thị trường. (bình ổn giá, bình ổn thị trường, hàng hóa thiết yếu)
Thị trường cuối năm luôn có những diễn biến phức tạp về giá. Chính vì vậy, việc bảo đảm nguồn cung hàng hóa thiết yếu, chủ động trong điều tiết cung cầu, hạn chế hành vi găm hàng, tăng giá bất hợp lý… là một trong những công cụ để Bình Dương chủ động bình ổn thị trường.
Nói đến hàng tết, tất nhiên không thể thiếu mặt hàng rau, củ, quả. Năm nay, thời tiết diễn biến thất thường, làm ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng, nhưng theo thông tin từ các nhà bán lẻ, để có nguồn hàng ổn định và lâu dài, một số đơn vị như Siêu thị Big C, Co.opMart đều có những hợp đồng liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm với nông dân, thậm chí ứng trước một phần vốn cho nông dân để có nguồn hàng với giá hợp lý và bảo đảm vệ sinh cho người người tiêu dùng. Theo đó, kế hoạch cung ứng mặt hàng rau, củ, quả sẽ được các siêu thị tăng lên gấp chục lần so với năm trước, tổng giá trị gần 49 tỷ đồng. Riêng trong tháng tết, 2 siêu thị Big C (Bình Dương, Dĩ An) và Co.opMart Bình Dương đã có kế hoạch dự phòng chuẩn bị một lượng rau tươi các loại tăng gấp đôi so với sản lượng đăng ký.
Giám đốc Sở Công thương Bình Dương Võ Văn Cư cho biết, năm nay chủng loại các mặt hàng đưa vào bình ổn giá sẽ tập trung vào 8 nhóm hàng thiết yếu, gồm lương thực thực phẩm chế biến, thực phẩm tươi sống và các mặt hàng khác như đường, dầu ăn, thịt gia súc, gia cầm… Nhằm tạo sự lựa chọn đa dạng phong phú cho người dân, sở sẽ tiếp tục vận động thêm DN tham gia chương trình, bày bán nhiều sản phẩm uy tín, chất lượng nhằm tối đa hóa điều kiện thuận lợi để người tiêu dùng mua sắm, sử dụng hàng Việt. Chương trình bình ổn giá năm nay dự kiến được bắt đầu từ tháng 11-2013 đến 28-2-2014, sau đó tiếp tục triển khai trong các tháng còn lại của năm 2014. Tổng trị giá hàng hóa bình ổn dự kiến trên 604 tỷ đồng (không tính xăng dầu), tăng 100 tỷ đồng so với năm 2013. Có 12 DN đăng ký tham gia bình ổn, tăng 3 đơn vị so với năm trước. Về giá bán lẻ của các mặt hàng luôn thấp hơn giá thị trường từ 10 - 15% so với các mặt hàng cùng chủng loại, chất lượng. Ông Võ Văn Cư cho biết thêm, ngoài việc bán hàng tại các siêu thị hiện hữu, các đơn vị phải tăng thời gian bán hàng lưu động tại các KCN, vùng sâu vùng xa của tỉnh từ 2 - 3 ngày/lần bán, đồng thời phải bảo đảm đủ số lượng, chất lượng các mặt hàng tham gia bình ổn thị trường, nhất là vào dịp cận tết… Với cách làm này, Bình Dương rút ngắn khoảng cách chênh lệch về giá, tránh tình trạng gom mua hàng bình ổn khi có biến động giá và mục tiêu cao nhất là không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá ảo…
Theo Báo Bình Dương
.