Tết là thời điểm nhộn nhịp nhất trong năm của thị trường bò khô. Thế nhưng, trước những lo ngại về vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP), người dân đang dần “quay lưng” với các thương hiệu bò khô lớn và chuyển sang các mặt hàng thủ công tại gia.

 

Vốn là đặc sản nổi tiếng của Quảng Ngãi, bò khô không chỉ được dùng trong tiếp khách mà còn làm quà tặng trong dịp Tết. Nếu trước đây, người tiêu dùng sẵn sàng bỏ ra 400 - 500 ngàn đồng để mua một ký bò khô mang những thương hiệu lớn, thì vài năm gần đây, hàng loạt vi phạm VSATTP đối với mặt hàng này đã khiến người tiêu dùng lo ngại.

 

Đìu hiu vụ Tết

 

Thời điểm này, tại nhiều cơ sở sản xuất (CSSX) bò khô trên địa bàn TP. Quảng Ngãi, dù chỉ hơn 1 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán, nhưng không khí sản xuất tại đây không mấy nhộn nhịp. Tại CSSX bò khô Anh Thu, hiện chỉ có 2-3 nhân viên làm việc không thường xuyên. Cô Nguyễn Thị Thu - chủ cơ sở lo lắng, nói “Mặc dù giá cả đã giảm nhẹ, nhưng hàng làm ra vẫn thưa vắng người mua. Những năm gần đây, cơ sở của tôi chỉ sản xuất cầm chừng để tránh tồn hàng”.
 

Một người dân đang tìm hiểu giá cả và chất lượng bò khô tại một cơ sở sản xuất bò khô trên địa bàn TP. Quảng Ngãi.
Một người dân đang tìm hiểu giá cả và chất lượng bò khô tại một cơ sở sản xuất bò khô trên địa bàn TP. Quảng Ngãi.

 


Còn tại các CSSX bò khô lâu năm, quy mô lớn như Anh Vũ, Thu Ba... lượng tiêu thụ trong dịp Tết này cũng giảm khoảng 20% so với những năm trước. Ông Lê Nguyên Vũ - chủ CSSX Bò khô Anh Vũ cho biết: “Thị trường cạnh tranh nhiều và thông tin về các CSSX bò khô giả, bẩn tràn lan... đã khiến lượng tiêu thụ 2-3 năm gần đây giảm đáng kể. Hiện sản phẩm bò khô Anh Vũ tiêu thụ chủ yếu ở Hà Nội, tiêu thụ trong tỉnh chỉ chiếm 20%. Thời điểm này, lượng mua cũng không nhiều nên cơ sở chỉ sản xuất như ngày thường để tránh tồn hàng”.

 

Ưa chuộng sản phẩm gia công

 

Trong khi đó, phong trào tự làm bò khô tại nhà hoặc chọn mua các mặt hàng bò khô sản xuất gia công đang ngày càng trở nên phổ biến. Bắt đầu làm bò khô vài năm gần đây và đã bán được hàng trăm ký bò khô dịp Tết, cô Nguyễn Thị Mỹ Lợi (phường Trần Phú, TP. Quảng Ngãi) cho biết: “Ban đầu làm cho gia đình và biếu người thân. Gần đây nhiều bạn bè, đồng nghiệp động viên, đặt hàng nên tôi làm nhiều hơn, chủ yếu lấy công làm lời”. Do sản xuất tại nhà, nguồn thịt được chọn mua kỹ, sản phẩm không nhuộm phẩm màu, không hóa chất độc hại... nên khách hàng tự truyền tai nhau tìm đến đặt hàng ngày càng đông. Tính đến thời điểm này, cô Lợi đã sản xuất hơn 200kg bò khô và thường ngày có đến 3 lao động làm công.

 

Những CSSX bò khô tự phát như trên ngày càng phổ biến, nhất là trong dịp Tết. Đối tượng khách mua của những cơ sở này chủ yếu là bạn bè, đồng nghiệp, người quen hoặc khách hàng qua mạng. Mặc dù giá cả thường cao hơn vài chục đến vài trăm ngàn so với bò khô có thương hiệu lớn, nhưng tâm lý chuộng thực phẩm gia công, không sử dụng hóa chất đã giúp nhiều cơ sở bò khô tại gia “ăn nên làm ra”. Ngoài việc đi mua, nhiều chị em cũng đang chọn cách tự tay làm cho gia đình mình những mẻ bò khô ngon, sạch để dùng trong dịp Tết.

 

Theo ông Nguyễn Văn Oai - Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP tỉnh thì: “Người tiêu dùng rất khó phân biệt giữa bò khô thật và bò khô giả. Bên cạnh đó, quy trình chế biến, dụng cụ chế biến và bảo quản thô sơ cũng khiến bò khô tại gia khó bảo đảm ATVSTP. Do vậy, để đảm bảo sức khỏe, người tiêu dùng nên lựa chọn những sản phẩm đã công bố, có nhãn mác, hạn sử dụng, có kiểm soát của cơ quan chức năng để hạn chế thấp nhất thiệt hại cho mình...”.

 

Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cũng cần tăng cường thanh tra, kiểm tra các CSSX, kinh doanh bò khô để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các vi phạm ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng trong dịp Tết sắp tới.

Theo Báo Quảng Ngãi

.