Hiệp định thương mại giữa Việt Nam với Liên minh kinh tế Á - Âu (EAEU) đã ký kết vào cuối tháng 5-2015 sẽ có hiệu lực vào đầu năm 2016. Khi ấy thuế nhiều mặt hàng sẽ giảm dần về 0%, song nhiều doanh nghiệp không mặn mà vì còn ngại các rào cản.

 

Ông Nguyễn Hoàng Tuấn, Phó chủ tịch Hiệp hội Xuất nhập khẩu Đồng Nai, nhận xét: “EAEU là thị trường lớn, nhiều tiềm năng, các doanh nghiệp nên chú ý tìm hiểu để mở rộng xuất khẩu qua thị trường này, tránh lệ thuộc vào một vài thị trường lớn khi có biến động khó xoay xở. Hiện nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa có hàng xuất khẩu ở Đồng Nai còn ít quan tâm tìm hiểu các thị trường mới. Tôi nghĩ hàng hóa của doanh nghiệp đã đủ điều kiện xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản, Hoa Kỳ, châu Âu thì sẽ xuất vào EAEU được”. Tuy nhiên theo ông Tuấn, mỗi khu vực sẽ có một số quy định riêng biệt nên trước khi muốn tiếp cận thị trường mới phải tìm hiểu khung pháp lý, quy tắc xuất xứ hàng hóa, hàng rào kỹ thuật, nhu cầu sản phẩm, như vậy sẽ mở rộng được thị trường xuất khẩu, tận dụng các ưu đãi từ các FTA mang lại.

Ngoài ra, những doanh nghiệp đang nhập khẩu nguyên liệu từ thị trường EAEU, khi hàng rào thuế quan gỡ bỏ dần sẽ hạ được giá thành sản phẩm, tăng được cạnh tranh với thị trường trong nước và xuất khẩu. “Công ty đang nhập khẩu thiết bị điện từ thị trường Nga để sản xuất các loại máy biến áp cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu. Vì thế, công ty rất mong FTA giữa Việt Nam với EAEU sớm có hiệu lực để hưởng các ưu đãi thuế quan hạ giá thành sản phẩm, nâng cao cạnh tranh với hàng ngoại nhập và xuất khẩu” - ông Cao Hoàng Phát, Phó tổng giám đốc kinh doanh Công ty cổ phần thiết bị điện ở Khu công nghiệp Biên Hòa 1, chia sẻ.

Theo một số doanh nghiệp, các thông tin về thị trường EAEU hiện còn rất ít. Do đó, các doanh nghiệp mong muốn có thêm nhiều thông tin cụ thể của từng nhóm hàng, mức thuế xuất, nhập sẽ giảm theo lộ trình, các quy định về chất lượng, xuất xứ hàng hóa, nơi hỗ trợ xúc tiến thương mại...
 

Theo Báo Đồng Nai
.