Huyện Chợ Gạo nằm về phía Đông, cách TP. Mỹ Tho - trung tâm tỉnh Tiền Giang khoảng 10 km, là cửa ngõ đi về các huyện phía Đông của tỉnh và kinh Chợ Gạo là tuyến đường thủy huyết mạch nối liền các tỉnh miền Tây với TP. Hồ Chí Minh.

 


Tiếp đến, giai đoạn 2001 - 2015 là giai đoạn đánh dấu bước phát triển quan trọng của thời kỳ mới - thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập kinh tế. Nhờ xác định đúng trọng tâm, trọng điểm, áp dụng các giải pháp đồng bộ đã khơi dậy được sức mạnh trong nhân dân, trong các thành phần kinh tế, Chợ Gạo đã có sự phát triển vượt bậc trong sản xuất nông nghiệp. Các điểm nhấn trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế đang từng bước hình thành; chương trình nông nghiệp, nông dân, nông thôn được đặc biệt quan tâm.

Thành tựu nổi bật của giai đoạn này là Huyện ủy, HĐND, UBND huyện đã xây dựng và ban hành nhiều chương trình, đề án, nghị quyết chuyên đề cho phát triển nông nghiệp làm cơ sở để phát triển nông nghiệp trên địa bàn.

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp - xây dựng, thương mại - dịch vụ; hiệu quả sản xuất nông nghiệp từng bước được nâng lên. Giá trị sản xuất của ngành luôn duy trì mức tăng trưởng bình quân trên 5%/năm tỷ trọng trong cơ cấu GDP của huyện.

Đến nay nông nghiệp huyện nhà cơ bản đã phát triển tương đối toàn diện. Người nông dân không chỉ làm ra sản lượng lương thực để phục vụ cho nhu cầu mà nhiều người còn biết làm giàu với nhiều mô hình kinh tế hiệu quả cao. Tiêu biểu trên các lĩnh vực cụ thể như sau:
Về trồng trọt, diện tích gieo trồng lúa hàng năm tuy có giảm, do nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhưng nhờ áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nên năng suất bình quân hàng năm tăng từ 1,2 - 1,5%. Hiện diện tích trồng lúa có khoảng 5.200 ha, trong đó diện tích chuyên canh sản xuất nếp Bè hệ Bảo Định được duy trì khoảng 2.000 ha, lúa thơm hệ ngọt hóa 1.300 ha. Sản lượng lương thực hàng năm đạt 133.000 tấn.
 
Cây màu phát triển mạnh trên đất rẫy và luân canh dưới chân ruộng, với diện tích hàng năm từ 11.000 - 12.000 ha, gồm nhiều chủng loại, cho năng suất cao; đã hình thành được một số vùng trồng màu chuyên canh tập trung như cây ngò (190 ha) ở các xã: Thanh Bình - Phú Kiết - Mỹ Tịnh An, cây hẹ (450 ha) ở các xã: Quơn Long - Bình Phục Nhứt - Bình Phan, cây ớt (800 ha) ở Bình Ninh - Đăng Hưng Phước - Long Bình Điền; giá các loại rau màu tuy có biến động nhưng phần lớn diện tích trồng màu cho hiệu quả cao hơn từ 3 - 5 lần so trồng lúa.
 
Kinh tế vườn được đầu tư phát triển theo chiều sâu, nông dân tập trung cải tạo vườn cây kém hiệu quả, trồng mới những giống cây có lợi thế so sánh, cho hiệu quả kinh tế cao. Toàn huyện hiện có  11.100 ha vườn, trong đó có 5.940 ha cây ăn quả và 5.160 ha vườn dừa, đây cũng là lợi thế của huyện trong thực hiện Dự án phát triển trồng cây ca cao xen trong vườn dừa và đến nay đã trồng được 1.400 ha, hiện có trên 1.000 ha đã cho thu hoạch trái.
 
Dự án phát triển 5.000 ha cây thanh long đến năm 2015 đã thực hiện theo kế hoạch, đến nay đã hình thành được vùng chuyên canh tập trung ở 12 xã (Quơn Long, Mỹ Tịnh An, Tân Bình Thạnh, Trung Hòa, Thanh Bình, Phú Kiết, Tân Thuận Bình, Đăng Hưng Phước, Song Bình, Long Bình Điền, Lương Hòa Lạc và Hòa Tịnh) với diện tích trên 4.000 ha, trong đó thanh long ruột đỏ có 1.200 ha.
 
Ngoài ra, thanh long sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP được chứng nhận với 120 ha. Thời gian qua, việc sản xuất thanh long đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, hàng năm đã tạo ra việc làm ổn định và nguồn thu nhập lớn, nâng cao đời sống cho số hộ trồng thanh long. Toàn huyện có 5 doanh nghiệp đã đầu tư kho lạnh và 42 cơ sở thu mua thanh long.
 
Về chăn nuôi, phát triển theo hướng tập trung theo vùng quy hoạch với quy mô vừa và nhỏ; thực hiện tốt công tác tiêm phòng, tiêu độc sát trùng và các quy trình chăm sóc tiên tiến, nâng cao được hiệu quả trong chăn nuôi. Đàn heo của huyện năm 2015 hiện có 109.000 con, đàn bò có 48.582 con
và đàn gia cầm có 1,9 triệu con.
 
Có thể nói thành tựu 40 năm qua của ngành Nông nghiệp Chợ Gạo đã khẳng định quan điểm chỉ đạo sáng suốt của cấp ủy, chính quyền các cấp trong từng giai đoạn xây dựng và phát triển, cùng với sự phối hợp tích cực, đầy trách nhiệm của các đoàn thể và sự nỗ lực vươn lên của nhân dân. Tất cả sẽ là nền tảng và là động lực để ngành Nông nghiệp Chợ Gạo tiếp tục ra sức phấn đấu hoàn thành các mục tiêu phát triển  kinh tế nông nghiệp trong giai đoạn mới.

 

Theo Báo Ấp Bắc

.