Gần đây, thuốc tăng cân đang trở thành mối quan tâm lớn của toàn cộng đồng, đặc biệt là tính nguy hại của loại thuốc tăng cân trôi nổi được rao bán qua mạng.

 


Theo lời anh V.T cho biết, sau khi cho con gái 10 tuổi và bố đẻ uống, anh thấy cả hai người đều ăn nhiều hơn, ngủ sâu hơn và má ai cũng phính ra nên . Nhưng sau khi tạm dừng uống thuốc một thời gian thì con gái và bố anh đã “tong teo” trở lại, duy có má là vẫn phính. Đem thắc mắc này hỏi bác sĩ chuyên môn, anh VT như chết lặng khi được biết rằng trong thuốc này có chứa chất gây trữ nước, ụ mỡ mặt và gây teo cơ.

Ngoài ra, một khách hàng tên N.K.H (mua thuốc qua mạng của Nana Kute) cũng cho hay, sản phẩm thuốc chị mua của Nana Kute không khác gì sản phẩm thuốc mà chị từng mua một lần ở một nhà thuốc trên đường Hai Bà Trưng (Hải Phòng). Tuy nhiên, thuốc của Nana Kute bán đắt hơn ở nhà thuốc gấp 3 - 4 lần. Khảo sát thực tế tại nhà thuốc đầu tiên trên đường Hai Bà Trưng (Hải Phòng), khi vừa thấy sản phẩm thuốc tăng cân Malaysia, cô dược sĩ liền nói: “Không nên dùng loại này chị nhé. Nó không tốt như mọi người nói đâu. Thậm chí nó gây ra loét dạ dày, loãng xương, rối loạn chuyển hóa…”.

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, gầy, nhẹ cân có rất nhiều nguyên nhân, trong đó phải kể đến những nguyên nhân chính như: kém hấp thu do hệ tiêu hóa hoạt động kém, lợi khuẩn trong đường ruột ít hoặc mắc các bệnh liên quan đến hệ tiêu hóa: đau dạ dày, viêm đại tràng, rối loạn tiêu hóa, … ; ăn ít, kén ăn hoặc ăn không ngon miệng trong một thời gian dài; cơ thể mệt mỏi, stress kéo dài làm ảnh hưởng đến khả năng ăn uống, sức khỏe tổng thể; mất ngủ, khó ngủ ảnh hưởng đến nhu cầu ăn uống và khả năng hấp thu dinh dưỡng của cơ thể.

Việc sử dụng thuốc tăng cân tưởng chừng như giúp người gầy cải thiện các nguyên nhân của họ rất nhanh mà không mất quá nhiều công sức và chi phí nhưng thực tế, không có một phương pháp nào có thể làm thay đổi trọng lượng của cơ thể con người trong một thời gian quá ngắn như vậy mà không gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Các loại thuốc tăng cân có hai thành phần chính là Corticoid và Cyroheptadin.

Cyproheptadin là  một chất chống dị ứng giúp làm êm dịu thần kinh, có tác dụng phụ là: kích thích thèm ăn và gây buồn ngủ. Khi ngừng sử dụng thuốc có thể gây ra tình trạng biếng ăn, mệt mỏi. Bộ Y tế đã cảnh báo Corticoid, nếu lạm dụng có thể  làm khuôn mặt sưng phù, gây huyết áp cao, các vết thương chậm lên sẹo, dễ gây teo cơ, loãng xương, loét dạ dày,đại tràng, giảm sức đề kháng của cơ thể, rối loạn kinh nguyệt, giảm trí nhớ…

Còn theo TS Nguyễn Thị Thu Hiền - Trưởng bộ môn Y học cổ truyền, Trường ĐH Y Hải Phòng. Vừa nhìn hộp thuốc, TS Nguyễn Thị Thu Hiền nói: “Thuốc này lại xuất hiện nữa sao? Chính cháu trai nhà tôi cũng từng là nạn nhân của thuốc này đấy. Nó được người bạn mua trên mạng đưa cho uống. Đến khi xem nhãn thuốc, tôi giật mình vì thuốc không có nguồn gốc, không đảm bảo. Nghe thế, thằng cháu hoảng quá, vứt thuốc luôn”. Cầm hộp thuốc trên tay, TS Nguyễn Thị Thu Hiền nói: “Loại thuốc này từng xuất hiện cách đây vài năm ở Hải Phòng, Hà Nội rồi. Tôi khẳng định, thuốc này là không đảm bảo vì không có số đăng ký, không có số điện thoại của nhà sản xuất…”.

Cùng quan điểm với TS Nguyễn Thị Thu Hiền, ông Nguyễn Đình Trình – Chánh thanh tra Sở Y tế Hải Phòng cho biết: “Thuốc này không có số đăng ký lưu hành và sai nghiêm trọng về quy chế nhãn thuốc. Nhằm đánh tan sự nghi ngờ của người tiêu dùng về thuốc không nguồn gốc, nhà sản xuất đã in thêm phụ đề tiếng Việt, tiếng Malaysia trên hộp thuốc cùng hướng dẫn sử dụng…”. Điều này có thể gây ra rất nhiều nguy hại cho sức khỏe, vì vậy người tiêu dùng nên tìm hiểu kỹ thông tin về sản phẩm trước khi sử dụng.
 

Theo VietQ

.