Đưa con đi khám ở một bác sĩ tư nhân gần nhà, chị Nguyễn Thị Hằng, ở phường Bưởi, quận Tây Hồ được bác sĩ tư vấn về chứng “lười ăn” của con chị: “Uống loại này liên tục 3 hộp thì sẽ ăn rất tốt”.
Chị Hằng xem qua nhãn sản phẩm có tên “Liguid Organic Spirulina” thì biết đây là thực phẩm chức năng và không muốn cho cho con dùng. Nhưng bác sĩ cứ khẳng định uống cái này sẽ hết chứng lười ăn, chị đành tặc lưỡi. Gần 500.000đ/hộp, mỗi hộp chỉ uống được 7 ngày là hết, 1 tháng phải uống tới 4 hộp mới đủ. Bỏ ra nửa tháng lương để mua thực phẩm chức năng cho con, nếu quả thật như bác sĩ quảng cáo thì có đắt cũng không sao, miễn là con ăn tốt, lên cân. Cứ bữa nào có thực phẩm chức năng thì con chị ăn ngon miệng hơn. Nhưng khi uống hết 3 hộp Liguid Organic Spirulina thì cháu bé lại quay về trạng thái cũ, chán ăn, chị phải vất vả dỗ dành đủ kiểu, không như lời thầy thuốc quảng cáo. Chị Hằng thở dài thườn thượt: “Bỏ ra 2 triệu mà không có tác dụng, lại đâm lo vào người vì không biết uống cái đó có ảnh hưởng tới sức khỏe của con không”.
Có sự giới thiệu của thầy thuốc, người bệnh nào chẳng tin tưởng và mua theo sự chỉ dẫn. Một số phòng khám tư hiện nay lại kiêm thêm việc quảng cáo và bán thực phẩm chức năng cho người bệnh. Bệnh nhân kêu đau mắt, mờ mắt, bác sĩ khám chẩn đoán bị thiếu vitamin A và kê thuốc bổ mắt Preser Vision. Chị Quỳnh ở Thanh Trì kể: “Tôi cho con uống 3 hộp Preser Vision với giá gần 900.000 đồng/hộp, thấy không đỡ mới đưa vào Viện Mắt TW khám thì cháu đã cận trên 1 độ, phải đeo kính. Bác sỹ nói nếu trẻ bị cận thị thì không có loại thuốc bổ mắt nào có thể ngăn ngừa được bệnh này, ngay cả những người đã bị cận rồi mà uống thuốc bổ mắt cũng không thể làm mắt sáng hơn được, đúng là tiền mất mà tật vẫn mang”.
Mặc dù vừa qua ngành Y tế có một số động thái nhằm siết chặt việc quảng cáo thực phẩm chức năng, song người tiêu dùng hiện nay vẫn bị lạc vào “mê trận”. Từ giá cả đến chất lượng và công dụng của sản phẩm, người tiêu dùng vẫn còn mơ hồ. Ông Trần Đáng, Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam cho biết, Hiệp hội thường xuyên nhận được phản ánh của người tiêu dùng về việc sử dụng thực phẩm chức năng nhưng không có tác dụng. Ông Đáng cũng thừa nhận, quảng cáo thực phẩm chức năng hiện có những sai phạm về công dụng không đúng như bản chất vốn có của nó. Thậm chí, có loại còn quảng cáo thái quá, thần thánh như thần dược, gây hiểu lầm...
Trước đây, đã từng có công ty kinh doanh thực phẩm chức năng theo kiểu đa cấp ở TP Hồ Chí Minh bị rút giấy phép kinh doanh, khi ra Hà Nội họ lại đổi tên và tiếp tục hoạt động. Theo ông Đáng, nguyên nhân dẫn tới tình trạng trên là do khâu kiểm soát của chúng ta chưa chặt chẽ. Muốn làm tốt thì phải có biện pháp kiểm soát cụ thể. Chẳng hạn, đơn vị quảng cáo cứ có hợp đồng và lấy tiền là xong, không xem xét sản phẩm đó có được cấp phép hay không.
Hiện nay, chế tài xử phạt vi phạm hành chính về vi phạm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng còn quá nhẹ, dẫn tới chưa đủ tính răn đe. Theo ông Nguyễn Thanh Phong, Cục phó Cục An toàn thực phẩm thì để lập lại trật tự trên thị trường thực phẩm chức năng hiện nay, trước tiên cần siết chặt hoạt động quảng cáo. Vì lợi nhuận, nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng ghi nhãn sản phẩm có công hiệu như thuốc chữa bệnh.
Để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, hiện nay, Bộ Y tế đã triển khai 2 đoàn thanh tra kiểm tra hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu và quảng cáo thực phẩm chức năng tại nhiều địa phương. Nhưng trước khi chờ đoàn kiểm tra tìm ra sai phạm thì “người tiêu dùng nên hết sức thận trọng khi sử dụng thức phẩm chức năng, phải xem xét kỹ càng trước khi chọn lựa, phải hỏi kỹ chuyên gia y tế, dược phẩm, đừng nghe vào quảng cáo thổi phồng về công dụng để mất tiền oan” – ông Trần Đáng khuyến cáo.
Theo CAND