Công ty cổ phần (CP) luyện cán thép Gia Sàng Thái Nguyên sau 4 năm đóng cửa đã chính thức hoạt động trở lại vào ngày 28/12/2016. Mẻ thép cán đầu tiên của công ty được kỳ vọng sẽ mở đầu cho những đóng góp lớn đối với ngành Công nghiệp tỉnh nhà. Tuy nhiên, khi UBND tỉnh Thái Nguyên ký chấp thuận cho công ty này được chuyển đổi sản suất thép sang dự án bất động sản đã khiến dư luận có nhiều thắc mắc về tính minh bạch của dự án.

Nhiều nghi vấn về việc làm ăn thua lỗ hơn trăm tỷ của Công ty

Theo Báo cáo của Bộ Công thương số 139/BC-BCT (ngày 26/12/2014) về quá trình phát triển của Công ty Cổ phần Thép Gia Sàng (viết tắt là GSS) Thái Nguyên đã diễn ra việc mất cắp tài sản trong một thời gian dài. Vì vậy, hồ sơ, tài liệu để chứng minh cho số lượng, giá trị tài sản không được đầy đủ nên khó xác minh bằng các phương pháp hành chính. Vì vậy, Bộ Công thương đã đề nghị chuyển vụ việc sang Cơ quan điều tra Bộ Công an theo dõi mở rộng điều tra làm rõ sự vụ.

leftcenterrightdel
Toàn cảnh khu vực nhà máy thép đang phá bỏ để nhượng lại cho Khu đô thị. 

Cũng tại Báo cáo này, việc thực hiện chế độ chính sách của Công ty vào thời điểm 30/4/2014 thì GSS có 274 lao động, đến ngày 20/10/2014 chỉ còn lại 244 lao động. Tính đến ngày 30/4/2014, GSS còn nợ tiền lương, tiền công của người lao động gần 11 tỷ đồng với số tiền nợ bảo hiểm là hơn 3,2 tỷ đồng. Công ty GSS hoạt động sản xuất kinh doanh thua lỗ nhiều năm. Lỗ lũy kế đến năm 2013 là 139.067.000.000 đồng và đã dừng hoạt động sản xuất kinh doanh từ ngày 15/1/2013.

Cũng theo nội dung Báo cáo của Bộ Công thương liên quan tới việc mất cắp trên của GSS, ông Bùi Long Xuyên, Tổng Giám đốc Công ty nhiệm kỳ 2014 - 2019, báo cáo về một số tài sản có giá trị lớn bị mất cắp, không có trong Công ty tại thời điểm kiểm kê ngày 21/8/2014, ước tính là 31.809.814.000 đồng. Trong đó, tài sản bị mất cắp phá hoại là 2.862.494.000 đồng.

Theo giải trình của ông Lê Văn Lợi, Tổng Giám đốc kiêm Chủ tịch Hội đồng Quản trị GSS giai đoạn 2011 - 2014 thì số tài sản mất cắp đang được Công an tỉnh Thái Nguyên điều tra là 917.962.600 đồng. Đặc biệt, việc kinh doanh thua lỗ của GSS giai đoạn năm 2014, là thời điểm chuyển giao, thay đổi lãnh đạo của Công ty đã phát sinh nhiều vấn đề quan trọng. Đáng chú ý là việc bàn giao về số lượng tài sản của GSS giữa 2 người đại diện trước pháp luật chưa được làm rõ, công khai, cụ thể nên dẫn đến khó khăn trong việc xác định số lượng tài sản bị thất thoát và tài sản thực sự còn lại của doanh nghiệp này.

Có thể thấy, việc báo cáo, giải trình liên quan đến tài sản giữa 2 Tổng Giám đốc của 2 thời kỳ là rất vênh nhau (gấp hơn 30 lần, một phần do mốc tính) thể hiện việc làm ăn có nhiều khuất tất đã gây nên những bức xúc trong dư luận mà cơ quan Công an tỉnh Thái Nguyên cần sớm có kết luận những sai phạm của GSS để đưa vụ việc ra ánh sáng. Điều đáng nói ở đây là Công ty GSS có 39,66 vốn điều lệ của Nhà nước (do Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên nắm giữ). Hơn nữa, việc thống kê lỗ lũy kế được nêu chi tiết là (âm) - 139.067.000.000 đồng. Thế nhưng, các khoản phải thu về cho GSS lại chưa được các cơ quan chức năng làm rõ.

Tại biên bản giải trình của ông Lê Văn Lợi, Tổng Giám đốc kiêm Chủ tịch Hội đồng Quản trị nhiệm kỳ 2011 - 2014, thống kê: Phải thu khách hàng 5.021.317.178 đồng, thu tạm ứng 49.790.274 đồng và các khoản phải thu khác là 297.661.430 đồng. Trong đó, phần “phải thu khách hàng” (thanh toán trước cho khách hàng mà không có sản phẩm bàn giao) thuộc Dự án Đầu tư Xây dựng công trình cải tạo nâng cấp thiết bị công nghệ luyện thép - nâng cao hiệu quả sản xuất và cải thiện môi trường trên mặt bằng hiện hữu xưởng luyện.

Dự án Đầu tư Xây dựng công trình cải tạo nâng cấp thiết bị công nghệ luyện thép được Hội đồng Quản trị Công ty GSS thông qua với tổng mức đầu tư là 90 tỷ đồng, đã ký 19 hợp đồng kinh tế cho các gói thầu. Phần lớn, đã thanh toán hoặc tạm ứng cho các đối tác. Tuy nhiên, dự án lại đang trong quá trình dở dang, gây lên những tổn thất và thiệt hại nhiều cho doanh nghiệp này.

Tính đến ngày 10/11/2014, Công ty GSS đã mất một khoản chi phí lớn lên đến cả chục tỷ đồng đầu tư (nếu tính cả khoản lãi phải trả cho ngân hàng thì hơn 15 tỷ đồng). Tại Hợp đồng số 14/HĐKT-DA, gói thầu số 1 cung cấp lò LF ngày 19/09/2010 ký với Công ty TNHH Lò Điện Tứ Phương Vô Tích đã chuyển 2.835.974.700 đồng và Hợp đồng số 15/HĐKT-DA cung cấp hệ thống hút bụi ngày 09/11/2010 ký với Công ty TNHH Thép Tú Ninh đã chuyển 1.600.000.000 đồng chưa được phía lãnh đạo GSS và các cơ quan chức năng làm rõ.

Như vậy, với những thông tin trên, Bộ Công thương kết luận rõ: “Để xảy ra tình trạng trên là trách nhiệm của Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Ban Giám đốc Công ty GSS và các cá nhân, tổ chức liên quan trong công tác quản lý, điều hành hoạt động sản xuất, kinh doanh, bảo vệ tài sản thực hiện chế độ, chính sách với người lao động”.

Vừa hồi sinh đã đổ sụp, chuyển sang dự án bất động sản

Theo phản ánh của nhiều cán bộ từng làm việc ở GSS, cũng như nhận định của một số cổ đông lớn, Công ty GSS đã ban hành Nghị quyết về việc đầu tư khôi phục và phát triển sản xuất vào ngày 21/3/2016. Trong đó, nội dung nêu rõ nhiều căn cứ, nhất là chỉ đạo của UBND tỉnh Thái Nguyên tại Văn bản số 70/UBND-KTN về việc tháo gỡ khó khăn, khôi phục sản xuất thép cán của Công ty GSS. Cùng với những căn cứ từ nguyện vọng của các cổ đông, người lao động về việc đảm bảo việc làm, yên tâm công tác... Sau đó, ngày 28/12/2016, GSS chính thức trở lại bằng mẻ thép cán đầu tiên sau gần 4 năm dừng hoạt động.

Tuy nhiên, theo phản ánh, chỉ trong khoảng 6 tháng hoạt động trở lại, lãnh đạo mới của Công ty GSS bất ngờ thông báo dừng hoạt động sản xuất. Năm 2017, toàn bộ nhà xưởng của Công ty bị tháo dỡ, di dời đã đánh dấu chấm hết cho biểu tượng một thời được tung hô là “ngọn lửa” sáng của ngành Công nghiệp thép Việt Nam.

Theo đó, trong Báo cáo Bộ Công thương còn thể hiện, việc Công ty GSS đã gửi UBND tỉnh Thái Nguyên đề nghị cho thực hiện Dự án Khu tổ hợp Thương mại Dịch vụ, trường học và nhà ở Gia Sàng trên nền đất của Công ty GSS và sau đó doanh nghiệp này đã vội vàng phá dỡ, di dời. UBND tỉnh Thái Nguyên do Chủ tịch UBND tỉnh Vũ Hồng Bắc đã ký Văn bản số 3669/QĐ-UBND(ngày 23/11/2017) đã đồng ý chủ trương đầu tư cho Công ty GSS chuyển đổi dự án thành khu thương mại dịch vụ. Dư luận đặt câu hỏi, vậy đồng vốn từ nguồn ngân sách Nhà nước ban đầu đã bỏ ra liệu có sử dụng đúng mục đích, và thu hồi đúng theo quy định? Sự chuyển đổi này có phù hợp khi nguồn tài chính chưa được làm sáng tỏ? Và ai sẽ là người được hưởng lợi khi chuyển đổi, nguồn ngân sách thiệt hại, ai sẽ là người chịu trách nhiệm?.

 Công ty GSS hoạt động sản xuất kinh doanh thua lỗ nhiều năm, lỗ lũy kế đến năm 2013 là 139.067.000.000 đồng và đã dừng hoạt động sản xuất kinh doanh từ ngày 15/1/2013. Tuy nhiên, các khoản phải thu về cho GSS lại chưa được các cơ quan chức năng làm rõ. Công ty GSS hiện có 39,66% vốn điều lệ của Nhà nước (do Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên nắm giữ).

(Còn nữa)

Thu Hương