(BVPL) - Tại chợ Đồng Xuân (TP. Hà Nội) những ngày gần Tết là thời điểm nhộn nhịp nhất trong năm, các mặt hàng điển hình như bánh kẹo, rượu bia được tiêu thụ mạnh hơn hết. Tuy nhiên, nguồn gốc xuất xứ của loại mặt hàng này vẫn là điều khiến người ta không khỏi băn khoăn.
Nói đến mua sắm bánh kẹo ngày Tết, ở Hà Nội hay các tỉnh lân cận hầu hết ai cũng nghĩ đến chợ Đồng Xuân, hay phố Hàng Buồm – bởi đây gần như là điểm tập trung các mặt hàng phục vụ Tết. Ngỏ ý muốn đi mua sắm ít đồ Tết cho gia đình, tôi được người bạn, chủ một quán café tại Hà Nội cho “bám càng” trong một buổi đi lấy hàng về cho quán.
9h sáng, tầng trệt chợ Đồng Xuân từ ngoài vào trong đã đông như trẩy hội, các ki-ốt với hàng trăm loại hàng xanh đỏ nhìn rất bắt mắt, được bày bán công khai.
Như nhận ra khách quen là anh bạn đi cùng tôi, một bà chủ quầy hàng nhanh nhảu hỏi: “Nay lấy gì đấy em?”. Anh bạn tôi cho biết, thường lấy café và các loại hạt ở đây về phục vụ quán café, ở đây chẳng thiếu thứ gì. Nhìn quanh một lượt, tôi thấy các loại thịt bò khô từ đỏ đến nâu vàng được bày la liệt, tiếp đó là các loại bánh mứt, kẹo xanh đỏ tím vàng đựng trong túi nilon mở phanh ra, hoặc đựng trong các rổ nhựa không được che chắn, xung quanh người đi lại tấp nập. Tranh thủ lúc người bạn này lấy hàng, tôi lân la hỏi về các mặt hàng đang bày sẵn này thì được bà chủ đon đả mời: “Em thử đi, ngon lắm. Thịt bò khô ở đây giá chỉ từ 180.000 – 250.000 đồng”. Thấy tôi có vẻ băn khoăn về giá cả vì quá rẻ, anh bạn đi cùng giải thích: “Lấy đâu ra thịt bò thật ở đây hả cô bạn? Toàn thịt lợn, thịt gà tẩm ướp vị bò, còn thịt bò khô thật thì ra Hàng Giấy mà giá trên dưới 600.000 đồng/kg nhé”.
|
|
Được biết, khách lấy số lượng nhiều tại đây chủ yếu mua về để bán lẻ lại, hoặc các quán café mua về chia đĩa nhỏ bán cho khách.
Tham khảo các mặt hàng thì hầu hết không loại nào có nguồn gốc rõ ràng, hạn sử dụng thì… vô thời hạn.
Tiếp đến là khu phố Hàng Buồm, cũng có cách bày bán không khác lắm so với chợ Đồng Xuân, nhưng không khí có vắng vẻ hơn. Ở đây, ngoài các mặt hàng bánh kẹo thì còn nổi lên rất nhiều các loại rượu, giỏ quà gói sẵn.
Nơi này, ngoài các loại thịt bò khô và bánh mứt kẹo còn bày la liệt các loại hạt dưa, hạt bí, hướng dương, dẻ cười… đã qua chế biến hoặc chưa chế biến. Các cửa hàng còn bày bếp than nghênh ngang ra đường để rang hạt hướng dương ngay tại chỗ. Một trong những chủ hàng ở đây cho biết: Loại hạt này tiêu thụ rất mạnh không chỉ ngày Tết mà cả ngày thường. Cửa hàng nhà chị những năm trước mỗi ngày tiêu thụ vài tạ hạt hướng dương, nhưng năm nay có phần ế ẩm hơn, số lượng tiêu thụ chỉ bằng 1/3 của những năm trước, do gần đây dư luận xôn xao về thông tin hạt hướng dương Trung Quốc có chứa chất độc hại.
Mặc dù vậy, chỉ trong 30 phút ở đây, tôi đã thấy hàng chục xe tải lớn nhỏ đến chở hàng tấp nập. Các mặt hàng ở phố này cũng đa dạng hơn nhưng đều có một điểm rất chung như chợ Đồng Xuân là không có nguồn gốc xuất xứ. Tuy nhiên, khi được hỏi, các chủ hàng ở đây đều quảng cáo là: “Hàng của Hàn Quốc, Thái Lan, hay Nhật”, nhiều khi cùng chung một loại kẹo bánh như nhau nhưng cửa hàng này nói hàng Thái Lan, cửa hàng kia lại nói của Hàn Quốc khiến người tiêu dùng không phân biệt được đâu là thật, đâu là giả... Việc khách hàng mua phải hàng giả mà không biết thì đã là phổ biến, nhưng cũng có khi khách hàng biết đó là hàng giả mà vẫn mua chỉ bởi nó quá rẻ. Lo ngại hơn cả là những khách buôn đến lấy hàng muốn dán nhãn “made in...” nước nào là sẽ được cung cấp? Điều này khiến chúng ta liên tưởng đến việc tem chống hàng giả cũng bị làm giả!
Càng cận Tết, hàng thật - giả càng lẫn lộn đặc biệt các mặt hàng không rõ nguồn gốc vẫn tiếp tục được nhập về từ Trung Quốc gây khó khăn cho lực lượng chức năng và nguy hại cho người tiêu dùng. Trước tình trạng này, người tiêu dùng chỉ còn biết truyền nhau kinh nghiệm tránh mua phải hàng nhái, hàng giả kém chất lượng để giảm thiểu những thiệt hại đáng tiếc.
Ngọc Lan