Theo đề án, Tây Ninh đã đề xuất nhiều cơ chế mới chưa từng áp dụng trước đây, tập trung ưu đãi cho nhà đầu tư chiến lược và phân cấp mạnh mẽ cho chính quyền địa phương trong việc phê duyệt quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch khu kinh tế Mộc Bài.
    |
 |
Cửa khẩu Mộc Bài. ( ảnh minh họa ) |
Trong đó, UBND tỉnh Tây Ninh đặt mục tiêu là chuyển đổi mô hình phát triển khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài theo hướng hiện đại, xanh, bền vững. Tây Ninh cũng phấn đấu đưa khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài thành trung tâm công nghiệp - đô thị - dịch vụ - logistics với hệ thống thể chế, cơ chế chính sách mới vượt trội nhằm thu hút mọi thành phần kinh tế, đặc biệt là các nhà đầu tư lớn, doanh nghiệp hàng đầu, tập đoàn đa quốc gia.
Trong nhóm cơ chế nổi bật, Tây Ninh đề xuất ban hành danh mục các ngành nghề ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược, gồm: Trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm nghiên cứu, logistics, cảng cạn, khách sạn cao cấp, khu du lịch, nghỉ dưỡng và các loại hình giải trí tổng hợp. Để bảo đảm hiệu quả triển khai, tỉnh cũng kiến nghị xây dựng bộ tiêu chí riêng để xác định nhà đầu tư chiến lược dựa trên năng lực tài chính và kinh nghiệm thực hiện dự án tương tự. Tây Ninh cũng đề xuất, nhà đầu tư phải cam kết giải ngân trong vòng 5 năm và ứng trước kinh phí cho Nhà nước để thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
Bên cạnh đó, Tây Ninh kiến nghị được giữ lại 100% nguồn thu phải nộp ngân sách Trung ương, kể cả nguồn từ xuất nhập khẩu, để đầu tư phát triển hạ tầng khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài và hệ thống kết nối bên ngoài. Đây là nguồn lực quan trọng để tỉnh chủ động về vốn đầu tư công, nhất là trong giai đoạn 2026-2030.
Trong lĩnh vực quy hoạch, tỉnh đề xuất được phân cấp cho Chủ tịch UBND tỉnh quyền phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh đồ án quy hoạch chung xây dựng đô thị với các khu vực dưới 500ha, nếu không làm thay đổi định hướng phát triển tổng thể. Đồng thời, Chủ tịch UBND tỉnh sẽ chịu trách nhiệm trước pháp luật về các quyết định này sau khi được Chính phủ chấp thuận chủ trương. Bên cạnh đó, tỉnh cũng đưa ra đề xuất miễn thị thực 30 ngày cho người nước ngoài du lịch vào khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài và cấp phép lao động 5 năm cho chuyên gia nước ngoài làm việc tại khu vực này, kèm cơ chế gia hạn linh hoạt.
Trước đó, tại buổi làm việc với các sở ngành, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Út đã chỉ đạo phải theo dõi sát tiến trình thẩm định đề án từ Trung ương. Ông Út cũng yêu cầu Sở Xây dựng sớm công bố quy hoạch chi tiết đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để triển khai thu hút đầu tư. Chủ tịch UBND Tỉnh cũng yêu cầu xác định rõ nguồn vốn cho từng hạng mục, tách bạch phần vốn ngân sách nhà nước và phần xã hội hóa, tránh dàn trải trong kế hoạch đầu tư công trung hạn sắp tới.
Được biết, khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài được Chính phủ thành lập từ năm 1998 với diện tích hơn 21.000ha, nằm cách TP HCM khoảng 70km, cách Phnom Penh khoảng 170km, nằm trên trục đường Xuyên Á, có vai trò là đầu mối giao thương quan trọng giữa Việt Nam và Campuchia. Trung bình mỗi năm có hơn 2 triệu lượt người qua lại cửa khẩu này. Bên cạnh đó, giá trị kim ngạch xuất nhập khẩu qua khu vực Mộc Bài chiếm khoảng 36% tổng kim ngạch giữa hai nước. Tuy nhiên, sau hơn 25 năm, khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài vẫn chưa bứt phá như kỳ vọng khi tỷ lệ diện tích đất đã đưa vào khai thác chỉ đạt 15%.
Đến tháng 3/2025, khu vực này thu hút được 60 dự án, trong đó có 26 dự án FDI và 34 dự án trong nước với tổng vốn hơn 470 triệu USD và hơn 8.500 tỉ đồng. Nguyên nhân chủ yếu của vấn đề này là do khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài chỉ được áp dụng cơ chế chính sách chung theo Nghị định của Chính phủ về quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế, chưa có những ưu đãi đặc thù, đột phá để cạnh tranh với các khu kinh tế khác trong khu vực. Vì vậy, các đề xuất cơ chế đặc thù lần này được kỳ vọng sẽ tạo cú hích mới, đưa khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài trở thành vùng động lực phát triển, tăng tính hấp dẫn với nhà đầu tư chiến lược. Hiện nay tỉnh Tây Ninh cũng đang đầu tư xây dựng cửa khẩu quốc tế Tân Nam với vốn gần 274 tỉ đồng.
Đây là cặp cửa khẩu quốc tế có tiềm năng lớn trong phát triển kinh tế biên giới, góp phần thúc đẩy thương mại, du lịch và logistics xuyên biên giới trong thời gian tới.