Sau 2 lần giảm, 3 lần tăng tính từ đầu năm 2015, giá xăng đã leo thêm gần 4.800 đồng/lít. Đáng lo là giá xăng lần này tăng ở mức khá cao. Với mức tăng giá như vậy, nhiều loại hàng hóa dịch vụ chắc chắn sẽ tăng theo vì giá xăng chiếm tỷ trọng lớn trong giá thành hàng hóa, đặc biệt là hàng hóa dịch vụ, khiến mặt bằng giá cả tăng theo làm gia tăng nguy cơ lạm phát trở lại.
Theo thống kê, CPI của Hà Nội tháng này tiếp tục tăng 0,12% so với tháng trước và tăng 0,93 so với cùng kỳ năm ngoái. Ước tính, bình quân 5 tháng CPI Hà Nội tăng bình quân 0,62% so với cùng kỳ năm 2014. Cùng thời điểm CPI tháng 5 của TP.HCM cũng tăng 0,3% so với tháng trước. Lý do, theo nhiều chuyên gia, là do cộng hưởng của cú đúp tăng giá xăng, điều chỉnh tỷ giá 1% và giá điện tăng 7,5%. Với việc điều chỉnh tăng giá xăng lần này, theo Cục trưởng Cục quản lý giá Bộ Tài chính, giá nguyên phụ liệu đầu vào sẽ bị ảnh hưởng, chi phí của doanh nghiệp sẽ tăng lên. Giá hàng hóa tiêu dùng cũng sẽ thay đổi và chỉ số CPI chắc chắn sẽ bị tác động.
Mặt hàng xăng dầu đang được điều hành theo giá thị trường, vì vậy tăng giảm giá là chuyện đương nhiên. Tuy nhiên, tăng giá xăng lần này, cũng như các lần trước có biểu hiện không bình thường. Vẫn là sự không công khai, thiếu minh bạch, và cơ chế điều hành có gì đó bất ổn. Giá thế giới tăng thì ta phải tăng. Nhưng trong đợt này, giá xăng dầu thế giới đã giảm nhưng ta lại tăng giá. Vì sao? Giá xăng dầu Việt Nam cao có phải do thuế phí cao, chẳng hạn tăng thuế môi trường lên 3.000 đồng/lít, chiếm 14,68% giá bán và hiệu quả của sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp xăng dầu thấp? Có phải do các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu độc quyền, một mình một chợ, tự ý định đoạt giá cả, trong khi các cơ quan chức năng lại đứng về phía các doanh nghiệp?
Trên Diễn đàn Quốc hội, nhiều đại biểu cũng băn khoăn về việc tăng giá xăng. Kinh tế mới bắt đầu phục hồi, các doanh nghiệp mới bắt đầu dễ thở hơn, nhưng việc tăng giá hàng loạt mặt hàng chiến lược có thể làm ảnh hưởng đến nền kinh tế đang chậm chạp hồi phục. Theo các đại biểu, cơ chế điều hành giá xăng là có vấn đề. Chẳng hạn, thay vì tăng giá xăng, có thể sử dụng các các công cụ khác như giảm thuế nhập khẩu xăng, quỹ bình ổn và lợi nhuận định mức của các doanh nghiệp. Vấn đề của quản lý vĩ mô là làm sao vừa bảo đảm hài hòa lợi ích nhà nước (thuế) vừa bảo đảm lợi ích doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu (lợi nhuận) và lợi ích chung của nền kinh tế và đông đảo người tiêu dùng (giá). Một chính sách giá xăng dầu đúng là chính sách không chỉ mang lại lợi nhuận cho doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, mang lại ngân sách mà quan trọng hơn, nuôi dưỡng được nguồn thu lâu dài, bền vững của toàn bộ nền kinh tế, trong đó có đông đảo đội ngũ doanh nghiệp và nhân dân.
Không phải ngẫu nhiên dư luận đặt câu hỏi: Tăng giá xăng kiểu này là có lợi cho ai? Còn trên Diễn đàn Quốc hội, có đại biểu đã đề xuất Quốc hội nên có một giám sát chuyên đề về giá xăng dầu, bởi đây là một vấn đề thiết yếu trong đời sống hằng ngày có liên quan đến quốc kế dân sinh.
Theo Người tiêu dùng