Tăng giá điện: 'Chúng ta không có lựa chọn'
Cập nhật lúc 11:44, Thứ tư, 31/07/2013 (GMT+7)
Phương án và lộ trình tăng giá điện đã được Chính phủ bàn từ nhiều năm nay, nhưng lộ trình tăng cụ thể như thế nào phải căn cứ vào nhiều yếu tố. (tăng giá điện, Bộ trưởng Vũ Đức Đam)
Phương án và lộ trình tăng giá điện đã được Chính phủ bàn từ nhiều năm nay, nhưng lộ trình tăng cụ thể như thế nào phải căn cứ vào nhiều yếu tố.
Theo Bộ trưởng Đam, chúng ta có một loạt giá đang tiến dần đến cơ chế thị trường, trong đó quan trọng là giá điện. Chủ trương chung của Đảng, Nhà nước là nhất quán giá thành tiến tới theo cơ chế thị trường.
Riêng với giá điện, một trong những đầu vào của giá điện là than, thì giá than bán cho điện hiện nay thấp hơn than bán cho xã hội và các ngành khác, nên xảy ra tình trạng buôn lậu than bán cho nước ngoài.
Nhưng theo Bộ trưởng Đam, hệ lụy thứ hai quan trọng hơn, đó là nếu giá điện của Việt Nam thấp, thì tất cả dự án đầu tư sẽ không thiên về đầu tư công nghệ để tiết kiệm điện, như vậy dẫn đến chúng ta sẽ có nền sản xuất lạc hậu. Ngân sách nhà nước không thể đầu tư mãi vào điện, nên cần phải kêu gọi đầu tư từ xã hội, nhưng giá điện thấp quá thì đầu tư không có lãi, nên sẽ không thu hút được đầu tư.
Về câu chuyện điều chỉnh giá điện, Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho rằng, có hai vấn đề. Thứ nhất, người dân Việt Nam có thu nhập thấp và nếu cái gì cũng tính theo giá quốc tế thì sẽ rất khó khăn.
Nhưng trong các yếu tố để làm ra điện, ngoài thủy điện thì các phần còn lại phải mua theo giá quốc tế như điện chạy bằng khí thì máy móc, giá khí cũng theo giá quốc tế. Ngay cả tới đây điện gió, điện năng lượng mặt trời thì giá máy móc cũng theo giá quốc tế. Nên theo Bộ trưởng Đam, chúng ta không có lựa chọn.
Do đó, thay vì hỗ trợ chung cho điện thì nhà nước sẽ chú trọng vào hỗ trợ cho người dân. Ví dụ, mỗi hộ dân, nhất là người nghèo được bao cấp một số điện nhất định. Chính phủ khẳng định sau này khi điều hành giá điện, sẽ có chính sách hỗ trợ người tiêu dùng có thu nhập thấp, người nghèo.
Điểm thứ hai, nếu tăng ngay giá điện đầu vào thì dẫn đến sức cạnh tranh hao hụt. Đây là cái giá phải trả. Điều đó lý giải tại sao nhiều năm nay, chúng ta không thể điều chỉnh ngay một lúc mà phải theo lộ trình.
Ngoài ra, nếu điều chỉnh giá điện hay loại giá nào đó như giá dịch vụ y tế thì điều hành phải khéo léo theo yếu tố tâm lý của thị trường.
Vì vậy, Chính phủ cân nhắc và đề ra lộ trình, đồng thời khẳng định chủ trương của Đảng, Nhà nước, nếu được tuyên truyền giải thích đến nơi đến chốn thì sẽ có được sự đồng tình của nhân dân.
Cũng theo Bộ trưởng Đam, chúng ta tiến tới cơ chế thị trường kèm theo điều kiện hỗ trợ cho người dân, nhất là người thu nhập thấp và người nghèo. Khuyến khích các doanh nghiệp không chỉ bằng lời nói mà bằng cơ chế tài chính, chính sách thuế cho các doanh nghiệp đổi mới công nghệ, để đầu tư vào công nghệ hiện đại và tiết kiệm năng lượng hơn.
“Phương án lộ trình tăng giá điện đã được Chính phủ bàn nhiều năm nay. Còn lộ trình tăng cụ thể như thế nào phải căn cứ vào nhiều yếu tố. Rút kinh nghiệm lần trước, Chính phủ yêu cầu Tập đoàn Điện lực phải có kế hoạch tuyên truyền để giải thích, lấy ý kiến phản hồi của cộng đồng để có điều chỉnh cần thiết về biện pháp cụ thể khi tăng giá điện”, Bộ trưởng Đam nói.
Theo Từ Nguyên
TBKTVN
.