Mãng cầu ta được xác định là loại trái cây đặc sản tỉnh BR-VT. Nhờ ưu thế vượt trội về chất lượng và có khả năng sản xuất trái vụ nên mãng cầu ở BR-VT được dự báo sẽ chiếm lĩnh được thị phần tại các siêu thị TP.Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương...

 

TIN LIÊN QUAN

Tại hội thi trái cây ngon an toàn Nam bộ do Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam (SOFRI) tổ chức năm 2007 tại Đồng Nai, mãng cầu tỉnh BRVT với vị ngọt đặc trưng, thịt dai đã giành “vương miện” ngon nhất tại khu vực phía Nam.

 

Khách hàng chọn mua mãng cầu tại sạp trái cây 212 Nguyễn Hữu Cảnh, phường Thắng Nhất, TP. Vũng Tàu
Khách hàng chọn mua mãng cầu tại sạp trái cây 212 Nguyễn Hữu Cảnh, phường Thắng Nhất, TP. Vũng Tàu


Sở dĩ mãng cầu của tỉnh BR-VT có chất lượng tốt là nhờ điều kiện thiên nhiên ưu đãi. Trồng chủ yếu tại các huyện Tân Thành (Châu Pha, Tóc Tiên), Đất Đỏ (Phước Long Thọ, thị trấn Đất Đỏ), huyện Xuyên Mộc (Bình Châu, Hòa Hiệp)... Đây là những vùng chân núi, đất đen, đất xám và đất đỏ vàng trên phù sa cổ. Ngoài ra khí hậu không nóng, không có nhiều nắng gió, nhờ vậy đã giúp cho mãng cầu có mùi vị đặt trưng thơm ngon khác biệt so với mãng cầu các tỉnh.

Hiện nay có đến 35% số hộ trồng thiết kế vườn mãng cầu đạt tiêu chuẩn hiện đại, nhiều hộ đã sử dụng hàng cây chắn gió cho vườn mãng cầu. Đặc biệt có đến 97% số hộ trồng mãng cầu của tỉnh đã biết sử dụng nước tưới trong mùa khô để xử lý ra hoa trái vụ nhằm điều chỉnh thời gian thu hoạch theo ý muốn mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Hiện nay mãng cầu được xác định là một trong những loại trái cây đặc sản của tỉnh BR-VT. Với những lợi thế về điều kiện thiên nhiên và thị trường, do đó trong Quy hoạch vùng sản xuất mãng cầu của tỉnh BR-VT cũng xác định, đến năm 2020 sẽ tăng diện tích sản xuất đến 1.700ha sản lượng khoảng 10 nghìn tấn. Việc tăng quy mô sản xuất mãng cầu như trên nhằm hỗ trợ đắc lực cho ngành dịch vụ, du lịch phát triển. Các mô hình phát triển cũng được xác định theo hướng ứng dụng công nghệ cao và thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP) để tăng năng suất, chất lượng vườn cây, tăng giá trị sản phẩm và tăng thu nhập cho người trồng mãng cầu.

Hiện nay ngành nông nghiệp tỉnh đã và đang thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ trong nhiều lĩnh vực để phát triển cây mãng cầu. Về chuyển giao kỹ thuật, Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư đang thực hiện dự án “Thâm canh cây mãng cầu ta theo hướng VietGAP” tại các huyện Xuyện Mộc, Đất Đỏ, Tân Thành, dự án này nhằm tạo ra những vườn mãng cầu mẫu được chứng nhận đủ tiêu chuẩn VietGap và quan trọng hơn là chuyển giao kỹ thuật sản xuất tốt cho người trồng mãng cầu trên toàn tỉnh.

Các hoạt động xây dựng, quảng bá thương hiệu cũng liên tục được thực hiện. Trong những năm qua, mãng cầu của BR-VT luôn “hiện diện” trong các hội chợ triển lãm, các hội thi trái cây ngon của khu vực do Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư và Chi Cục phát triển Nông thôn thực hiện. Hoạt động tổ chức sản xuất như thành lập hợp tác xã sản xuất, quảng bá thương hiệu, hoàn thiện hạ tầng sản xuất về điện, thủy lợi cũng đang được triển khai.
 

Theo BR-VT

.