Đồng thời, rà soát các lĩnh vực còn tiềm năng, các lĩnh vực phát triển tốt trong điều kiện dịch bệnh (thương mại điện tử, kinh doanh online, chứng khoán, bất động sản…), nhất là, tại các thành phố lớn, nơi tập trung đông dân cư.

leftcenterrightdel
Do ảnh hưởng dịch bệnh, hoạt động sản xuất kinh doanh bị đình trệ, ảnh hưởng đến kinh tế và thu  ngân sách. Ảnh minh họa: Anh Đức

Tổng cục Thuế cho biết, đây là một trong những biện pháp để đảm bảo nguồn thu ngân sách trong những tháng cuối năm.

Cũng theo cơ quan này, mặc dù thu ngân sách nhà nước (NSNN) 9 tháng đầu năm 2021 vẫn bám sát dự toán được giao, nhưng nguồn tăng thu tập trung chủ yếu trong 4 tháng đầu năm. Tuy nhiên, từ cuối tháng 4 đến nay, đợt dịch bệnh COVID-19 bùng phát với mức độ lây nhiễm mạnh của các chủng virus mới, diễn biến phức tạp tại một số địa bàn trọng điểm kinh tế và có nhiều khu công nghiệp lớn; nhiều địa phương đã phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ khiến các cơ sở thương mại, hoạt động sản xuất kinh doanh bị đình trệ, đã có những ảnh hưởng đến kinh tế và số thu NSNN.

Cụ thể, thu thuế phí nội địa (loại trừ yếu tố gia hạn) từ mức tăng 19,6% của 4 tháng đầu năm 2021, đến tháng 7 giảm 10,8%, tháng 8 giảm 21%, tháng 9 ước giảm 26,5% so với cùng kỳ. Về quy mô, số thu thuế, phí nội địa (loại trừ yếu tố gia hạn) không kể khoản thu phát sinh theo quý cũng đang giảm mạnh qua từng tháng. Đáng chú ý do thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 CT-TTg tại TP HCM và 19 tỉnh, thành phố phía Nam nên thu từ lệ phí trước bạ tại các tỉnh này giảm rất sâu. Tháng 8 giảm 56,5%, tháng 9 giảm 48,5% so với cùng kỳ.

Tổng cục Thuế cho biết, do tác động của dịch bệnh, thu ngân sách do cơ quan thuế quản lý tháng 9/2021 đạt 52.000 tỉ đồng, bằng 4,7% so với dự toán và chỉ bằng 55,8% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, thu nội địa ước đạt 48.600 tỉ đồng, bằng 4,4% so với dự toán pháp lệnh, bằng 53,4% so với cùng kỳ.

Ngoài ra, để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp (DN) vượt qua khó khăn của đại dịch, đẩy nhanh tốc độ hồi phục nền kinh tế trong năm 2021, ngày 19/4/2020 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 52/2021/NĐ-CP về việc thực hiện gia hạn tiền thuế và tiền thuê đất cho trong năm 2021, theo đó sẽ gia hạn thuế GTGT phải nộp từ tháng 3 đến tháng 8/2021, thuế GTGT quý I và quý II/2021, thuế TNDN tạm nộp quý I và quý II/2021, gia hạn tiền thuê đất kỳ 1 năm 2020 cho các DN và gia hạn thuế GTGT, TNCN năm 2021 đối với hộ, cá nhân kinh doanh thuộc các ngành, lĩnh vực gặp khó khăn do tác động của đại dịch COVID-19.

Những giải pháp này cũng đã ảnh hưởng đến kết quả thu ngân sách. Theo đó, uớc thực hiện tháng 9, tổng số tiền cơ quan thuế tiếp tục thực hiện gia hạn tiền thuế theo Nghị định số 52/2021/NĐ-CP ngày 19/4/2021 khoảng 4.000 tỉ đồng (thuế GTGT phải nộp của kỳ khai thuế tháng 8/2021).

Lũy kế hết 9 tháng đầu năm, cơ quan thuế thực hiện gia hạn với tổng số tiền thuế, tiền thuê đất gia hạn là khoảng 78.501 tỉ đồng trong đó: thuế GTGT là khoảng 44.916 tỉ đồng, thuế TNDN khoảng 30.887 tỉ đồng, thuế GTGT và TNCN của hộ khoảng 327 tỉ đồng, tiền thuê đất là khoảng 2.371 tỉ đồng.

Để phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ thu NSNN năm 2021 được Quốc hội, Chính phủ giao ở mức cao nhất, từ nay đến cuối năm, cơ quan thuế các cấp sẽ tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện tốt Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính về thuế, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh, đẩy mạnh điện tử hóa quản lý thuế...

Bên cạnh đó, ngành Thuế tiếp tục tăng cường quản lý theo dõi số tiền thuế, tiền thuê đất đã được gia hạn và đôn đốc thu vào NSNN đối với những khoản tiền thuế, tiền thuê đất đã được gia hạn vào NSNN khi hết thời gian gia hạn trong những tháng cuối năm 2021. Đồng thời, triển khai thực hiện tốt các chính sách gia hạn, miễn, giảm tiền thuế, phí, tiền thuê đất mà Chính phủ, Quốc hội tiếp tục ban hành trong những tháng cuối năm 2021 để hỗ trợ DN và người dân vượt qua đại dịch.

Trong thời gian tới, ngành Thuế tiếp tục bám sát diễn biến tình hình hoạt động kinh doanh của các DN, đồng thời, quản lý chặt chẽ công tác kê khai, nộp thuế, hoàn thuế, đôn đốc DN thực hiện nộp đúng, đủ, kịp thời các khoản thu vào NSNN, nâng cao chất lượng công tác thanh tra, kiểm tra, chống thất thu, quản lý chặt chẽ tình hình nợ đọng thuế.

Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Tài chính để rà soát, đôn đốc thu NSNN đối với các nguồn thu thuộc ngân sách trung ương như: thu từ dầu, khí, thu cổ tức và lợi nhuận còn lại, các khoản thu từ phí, lệ phí, thu từ đất đai, thu từ chênh lệch thu chi của Ngân hàng Nhà nước và các khoản thu khác của ngân sách trung ương.

 

Nguyễn Anh