Hàng loạt vụ nhập lậu, vận chuyển gia cầm thải loại, nội tạng động vật thiu thối, thực phẩm bẩn bị phát hiện, gần như ngày nào cũng bắt được một vài vụ đã khiến người dân và cộng đồng không khỏi hoang mang, lo lắng trước tình trạng mất vệ sinh an toàn thực phẩm ngày càng trầm trọng.

 

Không chỉ có vậy, liên tiếp trong thời gian gần đây, tại nhiều địa phương, cơ quan chức năng đã “vạch mặt” không ít cơ sở sản xuất chế biến thực phẩm như bún, bánh phở, bánh canh… làm ăn gian dối, sử dụng hóa chất độc hại trong chế biến để đánh lừa người tiêu dùng.

Thậm chí, có những kẻ hám lợi coi thường sức khỏe, tính mạng người dân còn sử dụng những công nghệ chế biến “đặc biệt” để biến các loại thịt ôi thối, nội tạng động vật nhớp nháp nhiều lúc có cả giòi bọ… thành những đặc sản khiến người tiêu dùng không biết đâu mà lần.

Trong khi đó, một cuộc khảo sát mới đây nhất của các cơ quan chuyên môn cho thấy, phần lớn thịt gia cầm nhập lậu có tồn dư một lượng kháng sinh nguy hại vượt mức cho phép và bị nhiễm nhiều virus nguy hiểm làm lây truyền dịch bệnh đối với người sử dụng. Còn đối với nội tạng, thịt động vật nhập lậu không ít loại đẫm hóa chất bảo quản độc hại, thậm chí còn tồn dư cả phooc môn, loại hóa chất dùng để ướp xác chết cho khỏi phân hủy.

Theo báo cáo của Bộ Công thương về việc thực hiện Đề án phòng ngừa, ngăn chặn, vận chuyển, kinh doanh gia cầm và các sản phẩm gia cầm nhập khẩu trái phép, từ đầu năm tới nay, các bộ ngành chức năng và địa phương đã phát hiện và xử lý hơn 1.400 vụ, với trên 230 tấn gà và hơn 44,8 tấn nội tạng động vật cùng nhiều loại thực phẩm bẩn khác. Những con số này chỉ phản ảnh một phần nhỏ so với thực tế. Bởi lẽ hàng ngày, hàng giờ, rất nhiều loại thực phẩm nhập lậu, không rõ nguồn gốc, quá hạn sử dụng và được chế biến thấm đẫm hóa chất công nghiệp vẫn đang tràn ngập tại các chợ cho tới các hàng quán ăn uống, cả ở thành thị lẫn nông thôn. Thực phẩm nguy hại còn tung hoành trên mâm cơm của nhiều gia đình, len lỏi vào siêu thị và vào bếp ăn tập thể trong nhiều nhà máy, khu công nghiệp.

Những năm gần đây, tình trạng ngộ độc thực phẩm và các dịch bệnh lây lan qua ăn uống ngày càng trở nên căng thẳng. Gần như ngày nào ở nước ta cũng có ngộ độc thực phẩm xảy ra. Vụ nhỏ thì dăm ba người trong gia đình bị “miệng nôn, trôn tháo”, vụ lớn thì hàng chục, hàng trăm công nhân của một nhà máy phải nhập viện cấp cứu; hay cả đoàn khách du lịch phải cùng vào “tham quan” bệnh viện do ăn chung thực phẩm không an toàn. Thống kê của Cục An toàn thực phẩm, tính đến tháng 9-2013, cả nước xảy ra khoảng 130 vụ ngộ độc thực phẩm, làm hơn 3.200 người ngộ độc, trong đó 19 người tử vong.

Các dịch bệnh nguy hiểm lây truyền, các loại bệnh tật hiểm nghèo do thực phẩm bẩn gây ra đang âm thầm gặm nhấm, bào mòn sức khỏe người dân và cả thế hệ tương lai.

Do đó, việc quản lý, kiểm soát chất l­ượng toàn bộ hệ thống dây chuyền sản xuất, chế biến, thương mại, tiêu dùng nông sản, thực phẩm phải được làm quyết liệt hơn nữa, theo phương châm “từ trang trại đến bàn ăn”, để đảm bảo chất l­ượng vệ sinh an toàn thực phẩm, đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng cũng như có thể cạnh tranh, đứng vững trên thị trường trong nước và thế giới.
 

Theo SGGP

.