Tăng 'chất' cho nông sản
Cập nhật lúc 10:27, Thứ sáu, 05/12/2014 (GMT+7)
Trong 11 tháng của năm 2014, xuất khẩu nông sản của Đồng Nai tăng cả về lượng và giá trị. Nhiều cơ hội mở ra cho doanh nghiệp (DN) hoạt động trong lĩnh vực sản xuất - kinh doanh nông sản mở rộng thị trường xuất khẩu. ( doanh nghiệp, nông sản, nhập khẩu, kinh doanh)
Trong 11 tháng của năm 2014, xuất khẩu nông sản của Đồng Nai tăng cả về lượng và giá trị. Nhiều cơ hội mở ra cho doanh nghiệp (DN) hoạt động trong lĩnh vực sản xuất - kinh doanh nông sản mở rộng thị trường xuất khẩu.
Cơ sở nhỏ gặp khó
Diện tích trồng chuối nguyên liệu trên địa bàn tỉnh đang dần thu hẹp vì khó khăn về đầu ra. Theo một số thương lái, từ đầu năm đến nay, chuối liên tục giảm giá, có nhiều giai đoạn giảm sâu. Đặc biệt, chuối bơm - nguồn nguyên liệu dùng để chế biến thành chuối chiên, chuối sấy hiện chỉ còn 700 đồng/kg, trong khi mức giá trung bình mọi năm là từ 5-7 ngàn đồng/kg. Nguyên nhân chủ yếu do các lò làm chuối sấy gặp khó khăn về thị trường xuất khẩu.
Ông Nguyễn Thanh Phong, chủ cơ sở chuối sấy tại xã Gia Kiệm (huyện Thống Nhất), chia sẻ cơ sở chủ yếu cung cấp các đơn hàng cho thương lái xuất khẩu. Đây là năm cơ sở gặp khó khăn nhất suốt mười mấy năm hoạt động. Thời điểm cuối năm, tình hình sản xuất có khởi sắc nhưng chủ yếu là cung cấp nguyên liệu cho DN làm bánh, kẹo chứ đơn đặt hàng xuất khẩu vẫn kém. Theo đó, giá chuối sấy hiện cũng giảm gần 50% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, cơ sở vẫn đặt kỳ vọng tình hình xuất khẩu sẽ tốt hơn vì đây vẫn là thị trường chính của dòng hàng này. “Một số cơ sở chuối sấy tại địa phương cũng liên kết lại khi có đơn hàng xuất khẩu lớn, nhưng chủ yếu vẫn sản xuất manh mún, nhỏ lẻ theo lối truyền thống nên đầu ra vẫn phụ thuộc hoàn toàn vào thương lái” - ông Phong nói.
Ông Nguyễn Sỹ Hải, Giám đốc Công ty TNHH nông sản Phú Quý (huyện Xuân Lộc), nhận xét đây là năm tương đối thuận lợi cho ngành chế biến, xuất khẩu nhân điều. “Phần lớn đơn hàng chủ yếu vẫn xuất khẩu sang thị trường dễ tính Trung Quốc. Những đơn hàng xuất khẩu đi Nhật Bản, châu Âu có giá trị cao hơn hẳn nhưng DN khó làm vì yêu cầu của họ khá khắt khe”. Đây cũng là khó khăn chung của nhiều cơ sở, DN chế biến nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh. DN khó tiếp cận cơ hội vào những thị trường lớn và khi thị trường xuất khẩu hẹp thì rủi ro thường lớn.
Tăng sản phẩm chế biến sâu
Ông Quách Văn Đức, Tổng giám đốc Tổng công ty Tín Nghĩa, cho biết đơn vị đang đẩy mạnh xuất khẩu cà phê sau chế biến. Hiện sản phẩm của Tín Nghĩa đã có mặt tại một số siêu thị của người Việt ở Hoa Kỳ. Đây cũng là thị trường rất giàu tiềm năng DN cần quan tâm, nhất là Hoa Kỳ đang có gói ưu đãi rất hấp dẫn thu hút DN đầu tư.
Ông Nguyễn Quang Thơ, Phó giám đốc Công ty TNHH sản xuất thực phẩm Vinathai (TP.Hồ Chí Minh), chuyên chế biến các sản phẩm từ trái dừa, cho rằng đầu tư cho khâu chế biến không chỉ gia tăng giá trị mà còn đảm bảo đầu ra bền vững cho nông sản. Chính vì vậy, Vinathai từ một DN cung cấp nguyên liệu đã đầu tư nhà máy chế biến các sản phẩm từ trái dừa, như: nước dừa tươi đóng lon, bột nước cốt dừa... Từ đó, DN đã liên kết với nông dân xây dựng vùng nguyên liệu ở Bến Tre, Nhơn Trạch (Đồng Nai). DN cũng xác định đây là lợi thế cạnh tranh khi tham gia thị trường. Theo ông Thơ thì: “Việt Nam còn yếu trong lĩnh vực chế biến nông sản. Đây là khó khăn nhưng cũng là cơ hội lớn cho DN đầu tư trong lĩnh vực này cả ở thị trường nội địa lẫn xuất khẩu, nhất là trong bối cảnh nhiều quốc gia lớn đang đẩy mạnh hợp tác với nước ta. Nhiều DN trong lĩnh vực chế biến nông sản đang đẩy mạnh đầu tư để nắm bắt cơ hội này”.
Theo Báo Đồng Nai
.