Tiếp nhận nhiệm vụ mới, ông Hoàng Quốc Vượng sẽ đối mặt với khoản lỗ trên 34.000 tỷ đồng mà người tiền nhiệm để lại, cũng như tạo dựng được hình ảnh "tập đoàn kinh tế lớn mạnh, hiệu quả, trách nhiệm và thân thiện" như ông hứa hẹn về EVN.

 

 
Tiếp nhận trọng trách mới, tân Chủ tịch EVN đã đề ra những mục tiêu và nhiệm vụ cụ thể nhằm xây dựng EVN lớn mạnh và phát triển hơn. Trong đó, một trong những nội dung then chốt mà ông Vượng đặt ra là làm lành mạnh hóa tình hình tài chính của Tập đoàn nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu phát triển trong thời gian tới. 
 
Ngoài ra, ông cũng hứa hẹn sẽ xây dựng tại EVN một đội ngũ cán bộ công nhân viên có năng lực, phẩm chất và tâm huyết với công việc và từng bước xây dựng EVN trong mắt mỗi người dân, khách hàng là hình ảnh "tập đoàn kinh tế lớn mạnh, hiệu quả, trách nhiệm và thân thiện".
 
Có mặt tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Công thương cũng "gửi gắm" và dặn dò: "Đồng chí Hoàng Quốc Vượng sẽ kế thừa tất cả những thành quả và cố gắng của các đồng chí đi trước, tích cực học hỏi, đúc rút kinh nghiệm, trên cơ sở đó sẽ phối hợp chặt chẽ, hiệu quả hơn với các thành viên và chỉ đạo ban điều hành. Xem việc cung cấp điện ổn định hơn, chất lượng hơn là nhiệm vụ hàng đầu của Đảng và Nhà nước giao cho ngành điện lực. Xây dựng Tập đoàn Điện lực Việt Nam, ngành điện Việt Nam vững mạnh, cùng với cả dân tộc xây dựng đất nước ta ngày một phát triển, phồn vinh". 
 
Trước khi trở thành Chủ tịch Hội đồng thành viên EVN, ông Hoàng Quốc Vượng giữ chức vụ Thứ trưởng Bộ Công Thương trực tiếp chỉ đạo Cục Điều tiết Điện lực và tham gia cùng Bộ trưởng chỉ đạo thực hiện quản lý nhà nước đối với EVN.
 
Ông Vượng cũng nguyên là Phó chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên. Sau đó, đến tháng 8/2010, ông Vượng được Thủ tướng điều động và bổ nhiệm chức vụ Thứ trưởng Bộ Công Thương.
 
Tại EVN, ông Vượng sẽ được giữ nguyên chế độ phụ cấp chức vụ lãnh đạo, hệ số 1,3. Người tiền nhiệm của ông là ông Đào Văn Hưng, bị miễn nhiệm do đã để xảy ra một số sai sót trong quản lý, điều hành tại Tập đoàn.
 
"Gia sản" mà "thời" ông Hưng để lại cho Tân Chủ tịch tiếp quản là khoản nợ lũy kế khổng lồ cũng như những vấn đề "muôn thuở" phải khắc phục, chẳng hạn như xử lý thất thoát điện trong truyền tải...
 
Theo thông tin từ EVN, tính đến 31/12/2011, tổng số chênh lệch tỷ giá đã qua kiểm toán của Tập đoàn này là 26.000 tỷ và khoản chênh lệch nà phải phân bổ dần vào giai đoạn 2012-2015. Bình quân mỗi năm, riêng lỗ chênh lệch tỷ giá phân bổ vào giá điện là 6.600 tỷ đồng. Ngoài ra, riêng kinh doanh điện năm 2010, EVN lỗ hơn 11.000 tỷ đồng (nhờ các hoạt động kinh doanh ngoài ngành nên giảm lỗ còn 8.000 tỷ đồng). Trong khi đó, tỷ lệ thất thoát điện năng vẫn chưa được cải thiện, vào khoảng 9-10%/năm.
 
Hồi cuối năm ngoái, khi còn là Thứ trưởng Bộ Công thương, ông Vượng đã cho biết, các khoản lỗ này của EVN sẽ được hạch toán vào giá điện trong những lần điều chỉnh. Sau đó, đến tháng 7 vừa rồi, tại bản Kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển 5 năm 2011 - 2015 của EVN, Thủ tướng đã chấp nhận cho phép Tập đoàn phân bổ các khoản lỗ do sản xuất kinh doanh điện chưa tính hết vào giá điện từ trước năm 2011 cho các năm 2012 và 2013, phân bổ các khoản chênh lệch tỷ giá trong giai đoạn từ năm 2012 đến năm 2015 theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.
 
Lộ trình trước mắt, giá bán điện sẽ từng bước được nâng lên, đến năm 2013 giá bán điện bình quân theo giá thị trường.
 
Ngoài ra, người đứng đầu Chính phủ cũng giao đã giao cho Tập đoàn này, trong các năm 2012 - 2015, phải đảm bảo kinh doanh có lãi. Đến năm 2015 các chỉ tiêu tài chính đáp ứng yêu cầu của các tổ chức tài chính cho vay vốn: Cụ thể, hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu phải dưới 3 lần, tỷ lệ tự đầu tư lớn hơn 30%, hệ số thanh toán nợ lớn hơn 1,5 lần.
 
 
Theo Dân trí
.