Nghị định số 14/2019/NĐ-CP được Chính phủ ban hành mới đây nhằm sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 108/2015/NĐ-CP ngày 28/10/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật thuế TTĐB và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế TTĐB.
Riêng đối với xăng sinh học, số thuế TTĐB được khấu trừ của kỳ khai thuế được căn cứ vào số thuế TTĐB đã nộp hoặc đã trả trên một đơn vị nguyên liệu mua vào của kỳ khai thuế trước liền kề của xăng khoáng để sản xuất xăng sinh học.
Các doanh nghiệp được phép sản xuất, pha chế xăng sinh học, việc kê khai nộp thuế, khấu trừ thuế TTĐB được thực hiện tại cơ quan thuế địa phương nơi doanh nghiệp đóng trụ sở chính.
Số thuế TTĐB chưa được khấu trừ hết của xăng khoáng nguyên liệu dùng để sản xuất, pha chế xăng sinh học (bao gồm cả số thuế chưa được khấu trừ hết phát sinh kể từ kỳ khai thuế tháng 1/2016) được bù trừ với số thuế TTĐB phải nộp của hàng hóa, dịch vụ khác phát sinh trong kỳ. Trường hợp sau khi bù trừ, còn số thuế TTĐB chưa được khấu trừ hết của xăng khoáng nguyên liệu dùng để sản xuất, pha chế xăng sinh học thì được khấu trừ vào kỳ tiếp theo hoặc hoàn trả.
Ngoài ra, theo Nghị định, người nộp thuế TTĐB đối với hàng hóa chịu thuế TTĐB nhập khẩu được khấu trừ số thuế TTĐB đã nộp ở khâu nhập khẩu bao gồm cả số thuế TTĐB đã nộp theo Quyết định ấn định thuế của cơ quan hải quan, trừ trường hợp cơ quan hải quan xử phạt về gian lận, trốn thuế khi xác định số thuế TTĐB phải nộp bán ra trong nước.
Số thuế này được khấu trừ tương ứng với số thuế TTĐB của hàng hóa nhập khẩu chịu thuế TTĐB bán ra và chỉ được khấu trừ tối đa bằng tương ứng số thuế tính được ở khâu bán ra trong nước. Phần chênh lệch không được khấu trừ giữa số thuế đã nộp ở khâu nhập khẩu với số thuế TTĐB bán ra trong nước, người nộp thuế được hạch toán vào chi phí để tính thuế thu nhập doanh nghiệp.
Về điều kiện khấu trừ thuế TTĐB, Nghị định quy định cụ thể như sau:
Trường hợp nhập khẩu nguyên liệu chịu thuế TTĐB để sản xuất hàng hoá chịu thuế TTĐB và trường hợp nhập khẩu hàng hóa chịu thuế TTĐB thì chứng từ để làm căn cứ khấu trừ thuế là chứng từ nộp thuế TTĐB khâu nhập khẩu.
Đối với trường hợp mua nguyên liệu trực tiếp của nhà sản xuất trong nước, trong trường hợp chưa xác định được chính xác số thuế TTĐB đã nộp cho số nguyên vật liệu tương ứng với số sản phẩm tiêu thụ trong kỳ thì có thể căn cứ vào số liệu của kỳ trước để tính số thuế được khấu trừ và sẽ xác định theo số thực tế vào cuối quý, cuối năm.
Điểm đáng lưu ý của Nghị định là trong mọi trường hợp, số thuế TTĐB được phép khấu trừ tối đa không vượt quá số thuế TTĐB tính cho phần nguyên liệu theo tiêu chuẩn định mức kinh tế kỹ thuật của sản phẩm.