Bốn doanh nghiệp sữa đồng loạt tăng giá, Bộ Công thương khẳng định thị trường sữa cạnh tranh khốc liệt, chưa chứng minh được doanh nghiệp bắt tay nhau tăng giá.
 

 

Kịch bản tăng cước 3G lặp lại?
 

Chỉ trong một thời gian ngắn các doanh nghiệp sữa lớn như: Mead Johnson, Vinamilk, Nestle, FrieslandCampina đều tăng giá với mức tăng từ 10-20% tùy loại. Cả bốn doanh nghiệp đứng đầu trong việc kinh doanh, sản xuất sữa đã tăng giá đồng loạt bất chấp sản phẩm sữa dành cho trẻ dưới 6 tuổi thuộc diện bình ổn giá, khiến dư luận đặt câu hỏi : Liệu 4 doanh nghiệp này có bắt tay nhau tăng giá?

Dư luận đánh giá, việc tăng giá cùng thời điểm như trên tương tự như việc ngày 16/10/2013, các doanh nghiệp Viễn thông Viettel, Mobifone, Vinaphone đã đồng loạt tăng cước dịch vụ 3G lên 40%.

Thậm chí gói cước 3G trả trước của cả 3 nhà mạng có mức tăng lên đến hơn 300% như gói cước EZ0 của Vinaphone thay đổi từ mức 60 đồng/MB lên đến 200 đồng/MB, tăng 333,3% so với cước cũ; gói cước FC0 của MobiFone, Laptop Easy của Viettel cũng có mức tăng tương tự từ 60 đồng/MB lên 200 đồng/MB.

Trước những thắc mắc của dư luận, kết quả điều tra của Cục Quản lý cạnh tranh lại là: Chưa phát hiện thấy các dấu hiệu bất thường của sự câu kết, bắt tay hay thỏa thuận giữa 3 doanh nghiệp Viettel, Mobifone và Vinaphone trong đợt điều chỉnh giá cước từ ngày 16/10/2013

Cũng tương tự, về việc có hay không các doanh nghiệp sữa bắt tay nhau tăng giá, thông tin tại cuộc họp báo thường kỳ Bộ Công thương diễn ra vào chiều 3/3, ông Nguyễn Phương Nam - Phó Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh cho biết, chưa thể kết luận các doanh nghiệp sữa có bắt tay tăng giá hay không.

Phó Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh: "Thị trường sữa là thị trường cạnh tranh khốc liệt và chưa có dấu hiệu doanh nghiệp bắt tay nhau tăng giá".

Theo ông Nam, Cục quản lý cạnh tranh đã lường trước khả năng tăng giá sữa của các doanh nghiệp nhưng cũng khẳng định rằng, thị trường sữa là thị trường cạnh tranh khốc liệt và chưa có hành vi phản cạnh tranh.

"Chúng tôi chưa kết luận là 3 hay 4 doanh nghiệp bắt tay nhau tăng giá song những hành vi như vậy Cục Quản lý cạnh tranh phải phối hợp với các bộ ngành liên quan để tập hợp số liệu, thông số nếu khi phát hiện có hành vi cụ thể chúng tôi sẽ ra quyết định điều tra sơ bộ", ông Phương Nam nói.

Ông Nguyễn Phương Nam cho biết rằng, thời gian để các cơ quan chức năng điều tra sơ bộ đối với nghi án liên kết làm giá của doanh nghiệp sữa là 30 ngày. Nếu điều tra sơ bộ mà phát hiện hành vi vi phạm sẽ chuyển cơ quan điều tra điều tra chính thức và thời gian cho quá trình này là 180 ngày. Trong trường hợp vụ việc phức tạp, cơ quan điều tra có thể gia hạn điều tra 2 lần, mỗi lần không quá 60 ngày.

"Lùng nhùng" dân chịu

Chiều cùng ngày, trao đổi với PV báo Đất Việt, ông Vũ Vinh Phú, nguyên Phó Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội cho biết, việc làm rõ các doanh nghiệp sữa có bắt tay tăng giá hay không cũng là việc nên làm song ông Phú lo ngại rằng việc này có thể dẫn đến kết quả như việc điều tra các doanh nghiệp Viễn thông Viettel, Mobifone, Vinaphone trước kia có bắt tay tăng cước 3G hay không khi kết quả là "Không thấy dấu hiệu bất thường, cấu kết bắt tay tăng giá".

Ngay trong việc điều hành giá sữa, ông Vũ Vinh Phú cũng chỉ ra những bất cập là sự phối hợp giữa các cơ quan cho thấy vẫn còn "lùng nhùng". "Bộ Y tế, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính đùn đẩy nhau không chịu trách nhiệm. Sự phối hợp giữa Hải quan, Cục Quản lý giá chưa đồng bộ", ông Phú nói.

Ngoài ra, ông Phú cũng đặt câu hỏi Tổng Công ty thương mại Hà Nội nhận hơn 100 tỷ cho chương trình bình ổn giá, sao không bình ổn sữa lại bình ổn những mặt hàng "đứng yên" là một sự lãng phí vốn rất lớn.

"Giá sữa đã đề cập đến 10 năm nay, kêu mãi nhưng chưa giải quyết được. Vinamilk vừa qua cũng tăng giá 5% có hợp lý không, ai chứng minh? Không ai công bố, các chuyên gia như đeo kính râm. Vấn đề kinh tế nói chung và kinh tế thương mại sữa nói riêng không minh bạch, không có thông tin để minh bạch, không có sự phối hợp để minh bạch", ông Phú nói.
 

Theo Đất Việt