Bình thường để có 1 kg thịt bò khô ngon người tiêu dùng phải mua với giá khoảng 1 triệu đồng. Tuy nhiên, tại chợ Thanh Xuân Bắc, có loại thịt bò khô được chào bán với giá chỉ từ 90-120 nghìn đồng/kg.


Chị Lan Anh, một người nội chợ lâu năm, nhà gần khu chợ Thanh Xuân khẳng định: "Tôi chắc chắn loại thịt bò khô bán giá rẻ bất thường ở đây không phải thịt bò. Bởi cứ thử nhẩm tính nhanh là biết. Thịt bò tươi giá như thế, mà cần bao nhiêu thịt mới làm ra một kg bò khô, rồi gia vị tẩm ướp nữa…".

Theo tiết lộ của chị H, một người tiêu dùng sống ở phố Hạ Đình (Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội), nhiều người bán hàng ở đây (chợ Thanh Xuân Bắc - PV) kể rằng, đa phần thịt bò khô giá rẻ được làm từ thịt lợn sề. Lợn sề càng già, thịt càng có màu đỏ thẫm, dai, ít mỡ, gân to và mùi vị tương tự thịt bò. Nhiều dân lái lợn muốn biến thịt lợn sề thành thịt bò còn tưới thêm tiết lợn lên trên, đợi thịt khô thì rưới thêm một lớp mỡ bò rán, miếng thịt trông sẽ dẻo dai như bò…

Cũng theo lời chị H. thì thịt bò khô giá rẻ còn được tạo ra từ những sợi bã sắn dây.

Trao đổi với PV, Bác sĩ Nguyễn Văn Dũng, Trưởng phòng quản lý sản phẩm, Cục An toàn thực phẩm, Bộ y tế cho biết, hiếm có có hóa chất nào có thể biến thịt lợn sề thành thịt bò, mà chỉ là dùng phụ gia để tạo mùi và vị giống tương đối. Thịt lợn sề ướp các loại phụ gia khi sấy khô có thể có màu sắc, mùi vị như thịt bò. Khi chế biến, nếu nhìn bằng mắt thường có thể không phát hiện ra, nhưng chú ý kỹ khi ăn sẽ nhận ra ngay.

Trước thông tin về việc người tiêu dùng có thể ăn phải thịt lợn sề giả thành thịt bò khô sẽ rất nguy hiểm. Vì thông thường, người dân không bán những con lợn sề khỏe mạnh vì nó mang lại nguồn lợi nhờ việc đẻ lợn con. Chỉ khi lợn sề bị bệnh, phải tiêm, hoặc đã chết, người dân mới đem bán.

BS Dũng cho biết thêm, nếu đúng là thịt lợn sề có mầm bệnh thì sẽ nguy hại cho sức khỏe. Tuy nhiên để khẳng định điều này, cần phải có kết quả giám định chất lượng.

Đánh giá về tác hại của các loại phụ gia biến thịt lợn sề, hay sắn dây thành thịt bò khô, BS Dũng nhận định: Không phải loại phụ gia thực phẩm hỗ trợ trong quá trình chế biến nào cũng độc hại, gây nguy hiểm cho sức khỏe. Quan trọng là loại phụ gia thực phẩm đó có đảm bảo chất lượng không? Hơn nữa vấn đề là các loại phụ gia này phải được cơ quan có chức năng kiểm định để đánh giá.

Cũng theo BS Dũng, với những sản phẩm không có nguồn gốc xuất xứ, giá rẻ bất thường như vậy, người tiêu dùng có quyền nghi ngờ và cần hết sức cẩn trọng trong khi lựa chọn. Nếu không sẽ mất tiền để mua bệnh tật vào người.

Trao đổi với PV, LS. Đặng Văn Cường - Đoàn luật sư thành phố Hà Nội cho biết, hành vi dùng thịt lợn làm giả thịt bò, tuyên bố hàng đó là thị bò, bán với giá thịt bò là hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả. Hành vi này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi số lượng hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật và có già trị từ 30 triệu đồng trở lên hoặc dưới 30 triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng.

 

Theo Người đưa tin

.