Serum nâng sống mũi: Coi chừng tiền mất tật mang
Cập nhật lúc 11:13, Thứ bảy, 22/03/2014 (GMT+7)
“Không tốn quá nhiều thời gian và tiền bạc như thực hiện phẫu thuật, không đau đớn mà vẫn có một sống mũi cao, hiệu quả cực nhanh” - đó là những lời có cánh mà nhiều trang bán serum nâng sống mũi đang quảng cáo rầm rộ trên mạng.
Không có “thần dược” nào như thế
Trả lời về vấn đề này, tiến sỹ, bác sỹ Lê Ngọc Diệp, trưởng phòng khám da liễu Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM khẳng định không có loại serum nào lại có tác dụng như vậy. Đây là một phương pháp làm đẹp phản khoa học, người tiêu dùng nên cẩn thận.
Bác sỹ Diệp cho biết, muốn nâng sống mũi, hiện nay chỉ có hai cách. Nếu thực hiện phẫu thuật thì người ta phải độn sụn bọc nhân tạo bằng thanh silicon hoặc sụn tự thân. Còn theo thực hiện theo phương pháp nội khoa thì bác sỹ sẽ dùng một loại chất làm đầy, chích vào mũi để nâng cao sống mũi.
Chất làm đầy sử dụng nâng mũi thì tương đối đậm đặc và có tính chất thay cho silicon. Nhưng chất này theo thời gian thì cơ thể sẽ tự đào thải. Do đó, thường thì phương pháp này chỉ có tác dụng trong vòng 1 năm. Sau đó, người ta sẽ thực hiện bơm lại.
Mọi phương pháp tác động bên ngoài khác như bôi serum rồi kẹp mũi lại là một phương pháp không có cơ sở khoa học.
Bác sỹ Diệp phân tích, serum thực ra chỉ là tinh chất, khi bôi thì sẽ thấm hết vào da, không có tác dụng tạo khối để nâng sống mũi lên. Nếu serum nguyên chất thì không sao. Trong trường hợp serum gia công có những chất độc không tốt cho da thì có thể gây ngứa hoặc dị ứng da cho người dùng. Rõ ràng, những sản phẩm đó là những sản phẩm hoàn toàn không có cơ sở khoa học.
Không có một công ty uy tín nào trên thế giới lại dám sản xuất ra sản phẩm nâng mũi bằng serum này. Do đó, các sản phẩm này trên thị trường hiện nay đều có nguồn gốc không rõ ràng, chắc chắn là hàng trôi nổi. Việc sau khi bôi serum rồi lấy kẹp kẹp mũi lại có thể làm tổn thương mũi. Khi kẹp có thể làm trầy xước, nhiễm trùng da.
“Đây là một cách làm đẹp phản khoa học, tốn tiền mà chẳng được gì, thậm chí có khi tiền mất tật mang” – Bác sỹ Diệp khuyến cáo.
Theo Lao Động