Câu chuyện “giải cứu” đàn heo chưa đi đến hồi kết, những ngày gần đây trên địa bàn tỉnh lại xuất hiện tình trạng “giải cứu” bí đỏ. Câu hỏi đang được đặt ra là sau bí đỏ rồi đến sản phẩm nào?
 
Điểm đáng chú ý trong cơ cấu xuất khẩu rau quả là mặt hàng thanh long tiếp tục tăng trưởng cao. Chỉ tính 4 tháng, thanh long đã đạt trên 786 triệu USD, chiếm trên 50% trong cơ cấu xuất khẩu rau quả và tăng gần 40% so cùng kỳ, chủ yếu vẫn xuất sang thị Trung Quốc.
 
Tuy nhiên, Trung tâm thông tin Công nghiệp và Thương mại cũng khuyến cáo người dân cần đảm bảo nguồn cung ổn định, tránh chạy theo số đông để đánh dư thừa, tạo điều kiện cho thương lái ép giá. Cụ thể, tại 2 tỉnh Tiền Giang và Long An, do hiệu quả kinh tế cao gấp 3 - 4 lần so với thanh long ruột trắng, nên thời gian gần đây nhà vườn Đồng bằng sông Cửu Long ồ ạt trồng thanh long ruột đỏ.
 
Hiện nông dân còn mạnh dạn phá bỏ vườn thanh long ruột trắng để chuyển qua trồng hàng nghìn hecta thanh long ruột đỏ. Do đó, địa phương cần làm tốt công tác quy hoạch đất trồng thanh long, vận động nhà vườn không trồng thanh long ruột đỏ theo phong trào.
 
Cảnh báo được đưa ra không chỉ đối với thanh long ruột đỏ mà còn đối với nhiều loại nông sản khác, bởi tính “phong trào” của nó. Chẳng hạn, đối với bưởi da xanh. Trong một thời gian ngắn, diện tích trồng bưởi da xanh trên địa bàn tỉnh tăng nhanh, đặc biệt là trên địa bàn huyện Chợ Gạo.
 
Theo thống kê sơ bộ, toàn huyện Chợ Gạo hiện có tổng diện tích trồng bưởi là 500 ha, trong đó bưởi da xanh chiếm hơn 350 ha, tập trung nhiều ở các xã: Song Bình, Long Bình Điền, Xuân Đông, Hòa Định, Lương Hòa Lạc, Đăng Hưng Phước, Bình Phan... Diện tích trồng bưởi da xanh chắc chắn còn tăng nhanh trong thời gian tới và chưa biết hiệu quả mang lại sẽ đạt được ở mức nào.
 
Điểm qua một số mặt hàng trong nông nghiệp mới thấy rằng, tuy duy sản xuất theo “phòng trào” vẫn chưa được thay đổi. Kết quả, những cuộc “giải cứu” cứ diễn ra là điều cũng không khó hiểu.
 
Theo Anh Phương (Báo Ấp Bắc)
.