Bộ luật Hình sự (sửa đổi) có hiệu lực ngày 1/7/2016 đã thắt chặt chế tài xử phạt các tội danh liên quan đến vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm nói chung và sản xuất buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm và phụ gia thực phẩm nói riêng. Những quy định mới này sẽ giúp cho cơ quan chức năng răn đe nghiêm khắc hơn bằng xử lý hình sự các đối tượng vi phạm.

 

 

Tại kỳ họp thứ 10 của Quốc hội khóa XIII, các đại biểu đã thông qua Bộ luật Hình sự (sửa đổi) có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2016. Theo đó, rất nhiều các điều luật đã được chỉnh sửa, bổ sung chặt chẽ hơn và cụ thể hóa các hành vi vi phạm để không bỏ lọt tội phạm. Đặc biệt, Điều 193 đã bổ sung quy định xử lý hình sự các đối tượng sản xuất, buôn bán hàng giả là phụ gia thực phẩm, một tội danh mà trước đây thường chỉ bị xử phạt hành chính.

 

Cụ thể, bất kỳ tội sản xuất, buôn bán hàng giả là phụ gia thực phẩm theo danh mục do Bộ Y tế quy định như các chất tạo hương… hoặc tạo vị (điều vị) như bột ngọt (mì chính)… thì đều bị phạt tù từ 2 - 5 năm; hơn nữa tùy theo từng trường hợp vi phạm cụ thể, khung hình phạt có thể tăng nặng lên từ 5-10 năm, 10 - 15 năm, 15 - 20 năm và cao nhất là mức án tù chung thân.

 

Không những vậy, Điều 76 Bộ luật Hình sự mới còn quy định về trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân thương mại khi vi phạm, trong đó pháp nhân phải chịu trách nhiệm hình sự nếu vi phạm Điều 193 về sản xuất, buôn bán phụ gia thực phẩm giả thì mức xử phạt thấp nhất là 1 tỷ đồng và cao nhất đến 18 tỷ đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 6 tháng đến 3 năm.

 

Với khung hình phạt mới này, các cơ quan chức năng có chế tài xử lý hình sự các đối tượng sản xuất buôn bán phụ gia thực phẩm giả, ngăn chặn những nguy cơ hiểm họa đến sức khỏe cho người dân và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng như giúp những nhà sản xuất kinh doanh chân chính bảo vệ được thượng hiệu của mình.

 

Theo NTD

.