Tại nơi sản xuất, người ta làm chân giò, đùi gà muối bằng nhiều cách rất bẩn. Nguy hiểm hơn, người ta bơm một thứ dung dịch gia vị để "dễ ngấm hơn".

 

 

Thế nhưng, cơ sở sản xuất này hầu như là một xưởng khép kín, tất cả đều được sản xuất một cách thủ công và không khoa học, không đảm bảo đúng tiêu chuẩn quy định của bộ Y tế. Không chỉ một mà rất nhiều xưởng sản xuất và chế biến thực phẩm thủ công trên địa bàn Hà Nội không hề có kho xưởng và bảo hộ lao động đúng theo luật định.

 

Nhưng điều đáng nói, những cơ sở này vẫn hoạt động một cách ngang nhiên mà không có sự kiểm soát của các cơ quan chức năng. Nếu có cũng chỉ là những cuộc “viếng thăm” bất ngờ cùng những hình phạt tạm thời chứ không dứt điểm.

 

Được biết, ngày 30/1/2013, phòng cảnh sát môi trường Công an TP. Hà Nội kết hợp với sở Y tế cùng chi cục ATVSTP TP. Hà Nội phát hiện cơ sở sản xuất, chế biến giò, chả, chân giò muối ở phường Yên Hòa. Đoàn thanh tra phát hiện các loại thức ăn và nguyên vật liệu bày la liệt khắp mọi nơi, thậm chí ngay cả trên cống nước xả thải.

 

Đặc biệt, khi lực lượng chức năng xét nghiệm nhanh đã phát hiện một số lượng lớn hàn the - chất được dùng trong sản xuất gốm sứ, thủy tinh có trong các sản phẩm giò, chả. Nhưng từ năm 2013 đến nay, cơ sở này vẫn hoạt động một cách bình thường và... vẫn “bẩn”.

 

TS. Lâm Đức Hùng – Trưởng phòng Quản lý ngộ độc, cục ATVSTP (bộ Y tế) cho biết, hàn the được sử dụng trong công nghiệp, có khả năng tạo độ giòn, dai và bảo quản khỏi nấm mốc. Từ cuối thế kỷ XIX, hàn the đã đượcthế giới cảnh báo và cấm sử dụng trong chế biến thực phẩm do độc tính của nó đối với sức khỏe.

 

“Khi ăn phải sản phẩm có hàn the, người dân sẽ bị ngộ độc mãn tính. Mức độ ngộ độc tùy theo lượng hàn the hấp thụ vào người. Người bị ngộ độc có biểu hiện mất cảm giác, ăn không thấy ngon, giảm cân, nôn, tiêu chảy, suy thận, da xanh xao, suy nhược không thể phục hồi”, ông Hùng chia sẻ.

 

Theo thống kê mới nhất của cục An toàn thực phẩm, từ 17/12/2014 đến tháng 3/2015, toàn quốc đã xảy ra 13 vụ ngộ độc thực phẩm với 462 người mắc, 454 người phải nhập viện và 6 trường hợp tử vong. Chương trình mục tiêu quốc gia Vệ sinh an toàn thực phẩm năm 2015 đặt ra mục tiêu giảm 5% số vụ ngộ độc thực phẩm so với năm 2014.

 

Để đạt được mục tiêu này, bộ Y tế đã giao cho các tỉnh, các cơ quan chức năng cần phối hợp với nhau nhằm tăng cường kiểm soát an toàn thực phẩm các cơ sở dịch vụ ăn uống, bếp ăn tập thể và thức ăn đường phố.

 

Để bảo vệ sức khỏe cho chính mình và những người thân, người tiêu dùng cần có sự lựa chọn thông thái đối với thực phẩm, nhất là những thực phẩm được chế biến sẵn. Cần cảnh giác trước những thực phẩm không có nguồn gốc xuất xứ, xem kỹ hạn sử dụng để tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.

 

Theo Người đưa tin

.