Những nhà hàng, quán ăn bình dân rất ưa chuộng các sản phẩm này vì giá rẻ, dễ chế biến lại để được lâu. Tiểu thương các chợ đầu mối Hà Nội cho biết mỗi ngày tiêu thụ vài tạ củ quả, hành tỏi Trung Quốc.

 


Mỗi ngày tiểu thương này cung cấp cho các mối hàng khoảng 30 kg gừng, 20 kg tỏi và hành khô. Còn các loại cà rốt, bí đao, khoai tây mỗi ngày chị bán khoảng 50-60kg. Trong đó, người mua chủ yếu là các nhà hàng, quán ăn bình dân…

“Loại này to, sạch sẽ, dễ bóc, không bị hao như các loại hành, tỏi ta nên các nhà hàng thích hơn. Trước tôi cũng lấy thêm loại hàng nội để bán nhưng ít người mua, lãi không nhiều nên chẳng buôn nữa”, chị Lan lý giải.

Tại chợ Long Biên, nhiều tiểu thương cho biết mỗi ngày cung cấp vài tạ các loại hành, tỏi Trung Quốc cho các đầu mối cũng như nhà hàng. Theo chị Cầu một tiểu thương ở chợ này các loại hành, tỏi ta giá đắt gần gấp đôi, nên hầu như chẳng nhà hàng nào có nhu cầu. Những loại nội, chị chỉ có thể bán cho các đầu mối bán lẻ ở chợ.

Anh Sơn, chủ hàng ăn đường Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy cho biết gừng, tỏi Trung Quốc thường to, bóng bảy nên đỡ công bóc vỏ. "Còn các mặt hàng cà rốt, khoai tây, cà chua Trung Quốc để được rất lâu trong thời tiết nóng như thế này mà không bị thối", anh Sơn cho hay.

Trong khi gừng, hành tỏi rất dễ phân biệt 2 loại nội - ngoại thì các mặt hàng củ quả như bí đao, cà rốt, khoai tây, cải thảo…, người tiêu dùng lại khó phát hiện hơn. Do đó, đa số các loại nông sản này được trà trộn bán cùng hàng nội.

Chị Bình, tiểu thương chợ Đồng Xa khẳng định loại cà rốt, súp lơ đang bán tại cửa hàng mình là "rau quê". Tuy nhiên, chị Lựu, một người bán rau khác lại cho biết, mùa này, tại các chợ đầu mối ở Hà Nội hầu như không có cà rốt ta, súp lơ Đà Lạt bây giờ cũng rất hiếm.

"Giá các loại củ, quả trong nước thường đắt hơn vì không sẵn hàng, nhiều đầu mối cung cấp hay lấy cớ đó để tăng giá. Trong khi ngược lại, hàng Trung Quốc thì muốn nhập bao nhiêu cũng có, giá rẻ hơn, hàng lại để được lâu", chị Bình cho biết.

Trước đó, có thông tin hàng thủy sản nhập lậu từ Trung Quốc gồm cá tầm, cá quả, cá trê giống, ếch tràn ngập thị trường với mức giá bằng một phần ba hàng nội. Lực lượng quản lý thị trường cũng đã ra tay để ngăn chặn tình trạng trên, đồng thời cho biết nhiều đường dây buôn lậu cá đã được cho vào tầm ngắm. Tuy nhiên, một lãnh đạo của lực lực này cho rằng, với mức xử phạt hành chính 2,5 triệu đồng đối với cá nhân có hành vi vận chuyển lậu kèm tịch thu, tiêu hủy lô hàng còn quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe vì mức lãi lớn hơn số tiền phạt rất nhiều. Đây chính là nguyên nhân khiến nhiều mặt hàng từ Trung Quốc vẫn được tuồn về Việt Nam.


Theo Ngọc Minh - Bùi Nhung
VnExpress