Hiện tại vấn đề đang được dư luận hết sức quan tâm, đó là việc Bộ Tài Chính đang xem xét dỡ bỏ giá trần áp dụng đối với sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi kể từ 1-7-2016.
 


Cần quản lý từ giá đầu vào

Chi phí sản xuất thế nào thì chỉ có DN mới rõ. Điều mà dư luận quan tâm là giá sữa liên tục tăng, nhưng các DN kinh doanh mặt hàng này đều không đưa ra được lý do vì sao tăng giá hay những yếu tố thể hiện tính minh bạch của các DN kinh doanh sản phẩm này. Không những thế, một số DN còn than phiền, thực hiện áp trần giá sữa là can thiệp hành chính phi thị trường, nó sẽ làm giảm, thậm chí làm triệt tiêu sức cạnh tranh, khiến cho các DN hoặc phải rút lui khỏi thị trường hoặc tìm cách đối phó. Chẳng hạn, các hãng sữa có yếu tố nước ngoài đã đối phó bằng cách thay đổi nhãn mác, tên gọi; hoặc giữ nguyên giá bán nhưng rút trọng lượng sản phẩm... Cuối cùng, lợi nhuận của DN vẫn bảo đảm, còn người tiêu dùng thì chịu thiệt.

Theo ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, biện pháp hành chính để quản lý giá sữa chỉ là biện pháp cuối cùng và hiệu quả rất thấp. Giá trần áp dụng đối với trẻ dưới 6 tuổi chỉ quản lý được khoảng 20% các loại sữa trên thị trường, còn các loại sữa khác như sữa cho người gầy, người già ốm… lại không được quản lý. Do đó, ông Phú cho rằng cần dỡ bỏ giá trần để thị trường cạnh tranh bình đẳng, đồng thời, Nhà nước có biện pháp quản lý giá sữa từ gốc. “Đối với sữa nội, cần có cơ chế chính sách để DN trong nước vươn lên phát triển, cạnh tranh được với sữa ngoại. Hiện nay ta phải nhập đến 70% sữa bột để làm sữa hoàn nguyên. Còn đối với các DN nhập khẩu sữa ngoại, cơ quan quản lý phải nắm được giá đầu vào. Hiện nay quản lý mặt hàng sữa mà không có đủ thông tin về giá nhập khẩu, chi phí sản xuất… thì không thể hiệu quả. Muốn làm được điều này, phải có sự phối hợp đồng bộ giữa thương vụ Việt Nam ở nước ngoài, hải quan và cơ quan thuế”, ông Phú kiến nghị. Một giải pháp khác cũng được ông Phú gợi ý, đó là các tổng công ty thương mại Nhà nước với tiềm lực về tài chính và hệ thống phân phối, nên tham gia vào việc nhập khẩu sữa chứ không chỉ “làm thuê” cho các DN nhập khẩu. Nếu làm được điều này thì có thể quản lý được giá sữa từ gốc.

Điều mà người tiêu dùng mong muốn là Bộ Tài chính nhanh chóng có biện pháp quản lý giá sữa nếu quyết định dỡ bỏ giá trần. Hiệu quả của công tác này đến đâu còn tùy thuộc vào sự phối hợp của các cấp chính quyền địa phương trong việc giám sát thực hiện. Nhưng đây là thời điểm thích hợp để Bộ Tài chính thay đổi cách thức quản lý giá sữa, tránh để tái diễn giá sữa “nhảy múa” như thời gian qua. Nói cách khác, cần phải tạo ra một thị trường cạnh tranh lành mạnh để người tiêu dùng có quyền chọn sữa rẻ và chất lượng. Đó mới là biện pháp căn cơ và hiệu quả để quản lý giá sữa hiện nay.

 

Theo PL&XH

.