Ngoài ra, các địa phương đã tiến hành thanh tra, kiểm tra 673.490 cơ sở, phát hiện 116.258 cơ sở vi phạm về ATTP, đã xử lý 41.229 cơ sở, trong đó phạt tiền hơn 82 tỷ đồng; Bộ công an đã phát hiện 6176 vụ vi phạm pháp luật về ATTP. Trong đó đã chuyển cơ quan điều tra khởi tố 11 vụ, 15 bị can; đang điều tra, xử lý 184 vụ…

Báo cáo của Ban Chỉ đạo cho biết, trong năm 2018, công tác ATTP đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trên các mặt: Chỉ đạo, xây dựng, ban hành các văn bản; xây dựng, triển khai các chương trình, đề án; thông tin, giáo dục truyền thông; thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm; kiểm nghiệm, giám sát, phân tích nguy cơ ô nhiễm thực phẩm; phòng chống ngộ độc và các bệnh truyền nhiễm qua thực phẩm…

Tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo về công tác ATTP năm 2018, nhiệm vụ trọng tâm năm 2019 diễn ra ngày 4/1/2019, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam yêu cầu thời gian tới, các cơ quan chức năng phải tiếp tục kiên trì, siết chặt quản lý, từng bước đẩy lùi tình trạng lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, hóa chất, kháng sinh trong sản xuất nông sản, thủy sản; kiểm soát chặt chẽ, ngăn chặn tình trạng buôn lậu thực phẩm qua biên giới; kiểm soát các lò giết mổ gia súc, gia cầm...

Đặc biệt, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị các cơ quan chức năng phải kiên quyết xử lý nghiêm các doanh nghiệp, cá nhân sai phạm trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, thông tin, quảng cáo thực phẩm chức năng. Mọi hành vi “vàng thau lẫn lộn” giữa thực phẩm chức năng với thuốc chữa bệnh để đánh lừa người tiêu dùng đều phải bị nghiêm trị. Thậm chí cần tiến hành điều tra, truy tố xét xử nghiêm minh một số vụ việc nổi cộm để răn đe và cảnh tỉnh.

Ngoài ra, các bộ ngành, địa phương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, ngăn chặn thực phẩm giả, kém chất lượng, gian lận thương mại trong lưu thông, kinh doanh thực phẩm, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm ATTP, đặc biệt là phải siết chặt công tác bảo đảm ATTP, nhất là tại các thành phố lớn trong dịp Tết Nguyên đán 2019 sắp tới…, Phó Thủ tướng cũng gợi mở các bộ, địa phương đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý ATTP.

Cụ thể là, nghiên cứu giải pháp hỗ trợ để doanh nghiệp đứng ra làm “đại lý” kiểm tra chất lượng thực phẩm, người sản xuất tự nguyện “xin được kiểm tra”, sau đó công khai các sản phẩm chất lượng trên website của cơ quan quản lý về ATTP, qua đó giúp người tiêu dùng nhận biết, truy xuất thông tin về chất lượng, nguồn gốc của sản phẩm; giúp thúc đẩy sản xuất, kinh doanh các sản phẩm thực phẩm an toàn.

PV