Sau dưa hấu, bí đỏ “bí” đầu ra, những ngày này bà con ở tỉnh Quảng Ngãi còn đối mặt với tình trạng sắn, ớt, bí đao… rớt giá, lợn, bò không có người mua
Việc hàng loạt sản phẩm cây trồng, vật nuôi của nông dân không bán được, giá cả bấp bênh khiến bà con thua lỗ, cuộc sống hết sức khó khăn.
Đang vào thời điểm ớt chín rộ nhưng trên nhiều cánh đồng ở xã Bình Phước, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi không mấy người ra đồng thu hoạch, có người bỏ mặc ớt khô ngoài ruộng vì không bán được. Chị Lê Thị Nguyệt ở xã Bình Phước than thở, gia đình chị năm nay trồng mỗi một sào ớt, đầu vụ gặp thời tiết bất lợi, đến kỳ thu hoạch, giá lại giảm sâu xuống còn 6.000 đồng 1kg, chưa bằng một phần 10 giá ớt năm ngoái.
Chị Nguyệt cho rằng, với giá ớt như hiện nay, nếu thuê nhân công hái 150.000 - 170.000 đồng người/ngày thì càng thêm lỗ.
|
Ớt thu hoạch về không bán được. |
"Ớt năm nay có 6.000- 7.000 đồng/1kg. Một ngày hái 30kg bán được 180.000 đồng thì đủ tiền mua phân, thuốc rải phun. Nói chung nhà nông trừ khó khăn lắm. Đi làm mướn thì công ty, công trình nói tuổi này rồi không ai nhận hết" - chị Nguyệt cho biết thêm.
Ông Nguyễn Văn Đông, Chủ tịch Hội Nông dân xã Bình Phước, huyện Bình Sơn cho biết, vụ ớt năm ngoái, có thời điểm giá ớt tăng lên gần 70.000 đồng/kg mà không có để bán. Chính vì thế, vụ này, bà con trong xã đua nhau bỏ lúa để trồng ớt, nâng diện tích trên địa bàn tăng hơn gấp đôi so với năm ngoái. Việc người dân ồ ạt trồng ớt bất chấp khuyến cáo của ngành chức năng khiến giá ớt giảm mạnh.
Ông Đông lo lắng, hiện tại không chỉ ớt, sắn rớt giá, bỏ khô trên ruộng, mà các sản phẩm vật nuôi như bò, lợn cũng “bí” đầu ra. Giá heo hơi giảm chỉ còn dưới 20.000 đồng/kg khiến người chăn nuôi lâm cảnh thua lỗ, nợ nần. Ông Nguyễn Văn Đông cho biết, không bám được đồng ruộng, nhiều người đã phải bỏ nhà cửa, ruộng vườn đi nơi khác tìm kế sinh nhai.
Theo ông Đông: "Giá cả bấp bệnh như thế thì phần lớn người ta cũng chuyển đổi nghề kiếm việc làm khác. Lao động chính trong gia đình thì người ta chuyển xuống các công ty làm công, lao động phổ thông; còn những người trẻ thì đi vào các doanh nghiệp, đi làm công ty hết, chỉ còn người già, trẻ nhỏ ở nhà".
Có một nghịch lý là, trong khi sản phẩm cây trồng, vật nuôi của bà con nông dân sản xuất ra bị ùn ứ, chất đống đầy đồng do không có nơi tiêu thụ, thì một số siêu thị ở tỉnh Quảng Ngãi vẫn phải đi nơi khác tìm mua nông sản với giá cao về bán cho chính người dân trên địa bàn.
Ông Lê Hồng Ca, Giám đốc siêu thị Co-opmart Quảng Ngãi cho biết: "Các sản phẩm bán tại siêu thị Co-opmart thì phải đảm bảo các chỉ tiêu an toàn thông qua kiểm nghiệm theo quy định của nhà nước. Đây cũng là cái vướng đối với các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, chi phí kiểm nghiệm đối với từng sản phẩm cũng tương đối lớn, cái này cũng là trở ngại khi họ đặt vấn đề với Co-opmart".
Chưa có năm nào, nông dân tỉnh Quảng Ngãi gặp khó khăn như năm nay khi vừa đối mặt với thời tiết bất lợi, vừa phải xoay xở với nông sản làm ra liên tục ế ẩm. Tháo gỡ khó khăn trước mắt cho nông dân, cộng đồng, doanh nghiệp cũng đã vào cuộc chung tay hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho bà con nhưng hiệu quả mang lại không mấy khả quan.
Ông Đặng Văn Minh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi thừa nhận: "Việc nông sản được mùa mất giá, được giá mất mùa liên tục xảy ra là do ngành chức năng chưa định hướng được cho người nông dân nuôi con gì, trồng cây gì và tiêu thụ ở đâu. Mặt khác, Nhà nước cũng chưa kết nối được thị trường dẫn đến nông sản người nông dân sản xuất ra luôn bị động trong khâu tiêu thụ sản phẩm"
Định hướng phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ và phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là chúng tôi gắn nhà doanh nghiệp cùng với nhà nông. Doanh nghiệp có nhiệm vụ cung ứng giống, khoa học công nghệ và bao tiêu sản phẩm cho người nông dân. Doanh nghiệp ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Chúng tôi sẽ hỗ trợ định hướng cho doanh nghiệp cũng như hỗ trợ nông dân thực hiện chủ trương đó./.
Theo PV/VOV