Trái với tình trạng chuối xuất khẩu bán đổ bán tháo với giá rẻ bèo của năm ngoái, vụ thu hoạch năm nay giống chuối tiêu xuất khẩu “sốt” giá đến 15-16 ngàn đồng/kg. Nguyên nhân do nhu cầu thị trường xuất khẩu tăng đột biến.

 

Thương lái tổ chức thu hoạch, đóng gói hàng xuất khẩu ngay tại vườn chuối tại xã Thanh Bình (huyện Trảng Bom).
Thương lái tổ chức thu hoạch, đóng gói hàng xuất khẩu ngay tại vườn chuối tại xã Thanh Bình (huyện Trảng Bom).


Vụ thu hoạch chuối đầu năm nay, đông đảo thương lái từ khu vực phía Bắc đưa xe container về tận vườn ở các vùng chuyên canh cây chuối của Đồng Nai, như: Trảng Bom, Thống Nhất… tổ chức thu hoạch, đóng hàng xuất khẩu.

“Sốt” giá chuối

Cả tháng nay, xã Thanh Bình (huyện Trảng Bom) luôn tấp nập các đoàn thương lái từ khu vực phía Bắc về lập trại dã chiến để mua và đóng hàng xuất khẩu ngay tại vườn. Chuối được sơ chế, đóng thùng, chất lên container ngay tại vườn để đưa thẳng ra các cảng biển xuất sang Trung Quốc, Đài Loan... Và nông dân đang được hưởng lợi trong cuộc chạy đua mua chuối xuất khẩu giữa các thương lái này.

Ông Phạm Thanh Huấn, nông dân trồng chuối tại xã Thanh Bình, nhận xét: “Nhờ thương lái tranh nhau thu mua nên chuối bán được với giá rất cao. Trung bình mỗi quầy sau khi tách nải, đóng thùng để xuất khẩu cũng được trên dưới 20 kg, chuối loại bỏ rất ít chứ không bị tình trạng cả quầy chỉ chọn được vài ba nải như mùa ế năm ngoái”. Theo nhiều nông dân trồng chuối ở các huyện Trảng Bom, Thống Nhất, vụ  thu hoạch này nông dân trồng chuối xuất khẩu đạt thu nhập cao vì vừa trúng mùa, vừa trúng giá. Nhiều nông dân cũng bất ngờ khi tính toán thấy 1 hécta trồng chuối cho lợi nhuận cao hơn hẳn 1 hécta tiêu, vì năm nay năng suất tiêu giảm, giá bán cũng thấp hơn cùng kỳ.

Ông Tô Đình Cường, thương lái từ các tỉnh phía Bắc đến thu mua chuối tại huyện Trảng Bom, cho biết ông đang tổ chức thu gom chuối cho một công ty ở Trung Quốc. Do mùa đông vừa qua quá lạnh, chuối Trung Quốc mất mùa nên nhu cầu nhập khẩu chuối của Việt Nam vào thị trường này rất lớn. Để có thể thu gom được nhiều hàng, ông Cường đưa hẳn đội ngũ công nhân gần 50 người từ miền Bắc đến vùng chuyên canh trồng chuối tại Trảng Bom, Thống Nhất, dựng lán ngay trong vườn chuối để đóng hàng xuất khẩu. Trung bình mỗi ngày, ông đóng được từ 1-2 xe container hàng. Theo ông Cường: “Các thương lái đang chạy đua cạnh tranh thu gom hàng. Chỉ quanh khu vực này đã có từ 4-5 nhóm thương lái từ phía Bắc đến thu mua, chưa kể những vựa chuối tại địa phương. Đội ngũ lao động của chúng tôi phải tranh thủ từ 6 giờ sáng là đã ra vườn đóng chuối và thường đến chạng vạng mới kết thúc công việc để kịp đóng hàng, vì có bao nhiêu cũng không đủ cung cấp cho phía đối tác”.

Vẫn theo kiểu “ăn xổi”

Cả doanh nghiệp (DN) xuất khẩu và các thương lái đổ xô về Đồng Nai để gom chuối xuất khẩu vì ở đây có diện tích chuối nuôi cấy mô lớn, sản phẩm đạt cả về hình thức và chất lượng của thị trường xuất khẩu. Tuy nhiên, tình trạng “sốt” giá này chỉ mang tính thời vụ vì hiện tại nguồn tiêu thụ chuối chủ yếu vẫn là thị trường Trung Quốc. Và việc thu mua của thị trường này đều theo hình thức mua đứt bán đoạn từng container hàng, giá biến động theo ngày.

Nói về những khó khăn trong xây dựng chuỗi liên kết với nông dân hiện nay, chủ một DN trong lãnh vực xuất khẩu chuối tại TX.Long Khánh cho hay: “Với mục tiêu xuất khẩu bền vững, nhất là đạt chuẩn vào những thị trường khó tính, chúng tôi rất quan tâm đến việc liên kết với nông dân xây dựng mô hình cánh đồng mẫu lớn cho cây chuối, nhưng trước mắt chúng tôi chỉ tập trung tìm quỹ đất trống để tự đầu tư vùng nguyên liệu. Vì xây dựng chuỗi liên kết với nông dân không phải chuyện ngày một ngày hai, trong đó khó khăn nhất vẫn là xây dựng lòng tin giữa DN và nông dân”.

Ông Tạ Ngọc Nam, Giám đốc Công ty TNHH nông sản Nam Hưng (TP.Biên Hòa), nhận xét ngoài các thị trường truyền thống là: Trung Quốc, Nga, Trung Đông, hiện nhiều thị trường khó tính, như: Nhật Bản, Hàn Quốc... cũng đặt vấn đề nhập khẩu chuối từ Việt Nam. Năm nay, nhiều  vùng sản xuất chuối trên thế giới mất mùa nên nhu cầu nhập khẩu mặt hàng này càng lớn. “Tuy nhiên, không phải DN nào cũng thắng khi tham gia xuất khẩu, vì ngay cả thị trường Trung Đông không đòi hỏi quá khắt khe về chất lượng thì nhiều DN vẫn phải bồi thường hợp đồng cho khách. Do thời gian vận chuyển bằng đường biển lâu, nhiều container hàng khi đến nơi chuối bị chín, bị thối hàng loạt. Nguyên nhân chủ yếu là do khâu sơ chế, bảo quản của nông dân còn quá yếu” - ông Nam nói thêm.

Với mục tiêu xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ, Đồng Nai cũng đang triển khai dự án xây dựng các cánh đồng mẫu lớn cho cây chuối, thu hút DN về đầu tư. Tuy nhiên, sau việc Công ty TNHH chế biến rau củ quả Toàn Cầu (TP.Hồ Chí Minh) đăng ký triển khai dự án cánh đồng mẫu lớn, ký kết hợp đồng bao tiêu với nông dân rồi lặng lẽ rút lui, bỏ rơi nông dân khi thị trường chuối dội chợ, rớt giá, hiện tỉnh chưa thu hút thêm DN mới nào tham gia đầu tư. Phía nông dân trồng chuối cũng mất niềm tin vào mô hình liên kết vẫn thiếu tính bền vững này.

 

Theo Báo Đồng Nai

.