Vụ việc đang tiềm ẩn những xung đột, bất ổn không chỉ về lợi ích mà còn cả về mặt pháp lý. 

Sở dĩ tiềm ẩn xung đột, bất ổn bởi các bên liên quan còn chưa “thông”, chưa cảm thấy thuyết phục về cách thức, phương án xử lý vụ việc của chủ nợ. Bavico Nha Trang cũng còn vô số sự vụ “nóng” khác, đang cần giải quyết rốt ráo. Cần nhớ, ngoài chủ đầu tư là Công ty Bạch Việt, Bavico Nha Trang còn có đến hơn 90 nhà đầu tư thứ cấp, hợp tác với Bạch Việt đầu tư, khai thác căn hộ du lịch. Sẽ khó có thể “trong ấm ngoài êm” khi tài sản, quyền lợi của nhà đầu tư bị tác động, dịch chuyển một cách chưa thực sự minh tường, cả về phương án và cơ sở pháp lý; và, “số phận” của tài sản này chưa biết sẽ được định đoạt ra sao.

Nguồn cơn sự vụ phát xuất từ những hợp đồng cấp tín dụng của MB- Chi nhánh Sài Sòn (MBSG) cho Công ty Bạch Việt, từ 2014 đến tháng 7/2017, để xây dựng các khách sạn tại Đà Lạt và Nha Trang. Trong thời gian này, Bạch Việt ký với MBSG các Hợp đồng số 263, ngày 01/7/2014 thế chấp tài sản hình thành từ vốn vay và Hợp đồng số 2808, ngày 12/4/2017, thế chấp tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai đối với Khách sạn Bavico Nha Trang, dự án được thực hiện trên đất của Quân khu 5, tại 02 Phan Bội Châu, Nha Trang.

Đại diện Bạch Việt tại Nha Trang nói, mấy năm qua, Bạch Việt có khá nhiều sự vụ đau đầu. Năm 2015, hỏa hoạn tại Bavico Plaza Đà Lạt “thiêu” mất 30 tỷ. Đầu năm 2017, Bavico Nha Trang bị dừng hoạt động thời gian dài để hoàn thiện hệ thống PCCC. Cuối 2017, 29 nhà đầu tư mua căn hộ tại Bavico Nha Trang tố cáo giao dịch với Bạch Việt là lừa đảo do chưa thanh toán tiền hợp tác đầu tư như cam kết. Đầu tháng 2/2018, TGĐ Công ty Bạch Việt - Đinh Tiến Sử bị bắt tạm giam vì bị cho là có liên quan đến hoạt động mại dâm tại Khách sạn Bavico Nha Trang. Đưa ra thông tin này, Bạch Việt như muốn lý giải, khó khăn dồn dập dẫn đến chưa thực hiện đúng nghĩa vụ thanh toán nợ vay với MBSG vài tháng qua - lý do chính để Ngân hàng này tuyên bố thu giữ tài sản bảo đảm.

leftcenterrightdel

MB ban hành hàng loạt văn bản thu giữ tài sản bảo đảm

 

Lại nói sự vụ thu giữ tài sản bảo đảm tại Khách sạn Bavico Nha Trang, trong thời gian gần đây, MB và MBAMC dồn dập gửi các văn bản cho Bạch Việt và các đối tác của công ty này với từ ngữ khá quyết liệt, yêu cầu các tổ chức, cá nhân đang sử dụng tài sản thế chấp phải chuyển dịch ngay toàn bộ tài sản không thuộc tài sản thế chấp bên trong Khách sạn, để bàn giao nhà cho MBAMC quản lý trước ngày 09/4, sau được dời đến ngày 13/4. MB cũng thông báo kế hoạch thu giữ tài sản bảo đảm đối với Khách sạn Bavico Đà Lạt vào ngày 17/4.

MB cũng đã thông báo thông tin thu giữ tài sản bảo đảm đến các đối tác, khách hàng lớn của Bavico Nha Trang là các hãng du lịch, lữ hành, tour, đồng thời, yêu cầu các hãng lữ hành dừng các hoạt động đưa khách vào Khách sạn này và thực hiện thanh toán công nợ cho Bạch Việt qua tài khoản của công ty này mở tại MB.

Đại diện Công ty Bạch Việt cho rằng, các bên liên quan, đặc biệt giữa MB và Bạch Việt chưa có sự thương thảo bàn tròn trên tinh thần “xây dựng”, để cùng đưa ra phương án giải quyết (!?). Mặt khác, theo Hợp đồng tín dụng số 186, thời hạn thực hiện hợp đồng là 10 năm; đến năm 2024, Bạch Việt mới phải trả hết nợ gốc Hợp đồng tín dụng số 186. Nay, MB đòi trả ngay một lúc toàn bộ nợ gốc khác nào đánh đố khách hàng. “Quan điểm của Bạch Việt là làm việc song phương để giải quyết. Bạch Việt mong muốn hai bên ngồi lại, đề xuất một phương án tài chính, do Bạch Việt vận hành mà không phải đưa bên thứ ba, ngân hàng là người kiểm soát tài chính. Nhưng họ không chịu, họ cứ ép để bên thứ ba vận hành, cho Bạch Việt đứng ngoài cuộc” - Đại diện Bạch Việt bức xúc.

leftcenterrightdel
Khách sạn Bavico Nha Trang vốn đang có vô số sự vụ "nóng" cần giải quyết rốt ráo

Vấn đề còn ở chỗ, theo yêu cầu của MB thì Bavico Nha Trang phải dừng hoạt động kinh doanh; yêu cầu này sẽ gây những hậu quả về uy tín lẫn kinh tế, trường hợp Bavico đã ký các hợp đồng cung cấp dịch vụ trước đó với các đối tác và nay, các hợp đồng này bị hủy. Thêm nữa, việc gửi thông báo dừng hợp tác đến đối tác của Bavico Nha Trang, đã làm tổn hại uy tín, hoạt động kinh doanh trước mắt và lâu dài của Khách sạn này, làm xáo trộn hoạt động và gây tâm lý hoang mang cho nhân viên; mặt khác làm ảnh hưởng môi trường kinh doanh du lịch, đầu tư tại địa phương.

Chưa hết, ở góc độ pháp lý của việc thu giữ tài sản bảo đảm, theo một văn bản của Bạch Việt, giá trị pháp lý của các hợp đồng thế chấp tài sản hình thành từ vốn vay (số 263, ngày 01/7/2014) và hợp đồng thế chấp tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai (số 2808, ngày 12/4/2017) là chưa đảm bảo các quy định của pháp luật hiện hành. Ở chỗ, các nội dung hợp đồng chưa có căn cứ đưa bên thứ ba vào thế chân cho MBSG thu giữ Khách sạn Bavico Nha Trang. Mặt khác, khi MB và Bạch Việt ký kết Hợp đồng số 263 đã không thực hiện thủ tục công chứng, chứng thực theo quy định, do vậy Hợp đồng bị vô hiệu.

Với Hợp đồng số 2808, “bổ khuyết” cho Hợp đồng số 263, đối tượng thế chấp trong hợp đồng là Khách sạn Bavico Nha Trang đã hình thành trước đó (năm 2015), không phải là tài sản hình thành trong tương lai. Nó được lập ra nhằm che đậy vi phạm pháp luật của Hợp đồng số 263, do vậy cũng bị vô hiệu do giả tạo.

Tại buổi làm việc với những người mua căn hộ Bavico Nha Trang mới đây, đại diện MBAMC nói, MB sẽ đảm bảo quyền lợi của các nhà đầu tư đã hợp tác kinh doanh căn hộ với Công ty Bạch Việt. Tuy vậy, trấn an đó có lẽ chưa làm yên lòng nhiều chủ sở hữu căn hộ, bởi nhà đầu tư ý thức, họ không có những ràng buộc pháp lý với MB. Tài sản của họ cũng chưa được cơ quan thẩm quyền cấp giấy chứng nhận sở hữu. “Chẳng có căn cứ pháp lý hay quy định, ràng buộc nào để MB đảm bảo quyền lợi của chúng tôi. Về mặt pháp lý, chúng tôi không liên quan gì đến MB”- Một nhà đầu tư căn hộ du lịch tại Bavico Nha Trang nói với báo chí.

Một sự kiện đáng chú ý, ngày 16/3/2018, phía MB đã có cuộc gặp, làm việc với ông Đinh Tiến Sử- TGĐ Bạch Việt ngay tại trại tạm giam. Ý kiến của ông Sử tại biên bản thể hiện: Ông đề nghị MB làm việc với đại diện ủy quyền, Luật sư của Bạch Việt và một số thành phần liên quan trong khi chờ Bạch Việt đàm phán với các nhà đầu tư về việc mua lại phần vốn góp của Bạch Việt để trả nợ cho MB và các nhà đầu tư khác. Đổi lại, ông Sử sẽ ký ủy quyền cho MB được thay mặt TGĐ kiêm người đại diện theo pháp luật để quản lý điều hành; chỉ đạo, tổ chức các cá nhân liên quan hợp tác với MB về việc chuyển 100% doanh thu của Bạch Việt về MB để chủ nợ thực hiện quản lý dòng tiền; đồng thời, thực hiện một số yêu cầu khác của MB nhằm giải quyết khoản nợ của Bạch Việt. Theo ý kiến này thì dường như ông Sử - TGĐ Công ty Bạch Việt rất có thiện chí giải quyết những tồn tại với MB cũng như với các đối tác đầu tư khác.

Nhóm PV