(BVPL) - Mới đây, trong bữa cơm ngày cuối tuần, ăn chưa xong, anh bạn tôi đã phải đi bệnh viện cấp cứu vì ngộ độc thực phẩm. Ấy vậy mà khi tỉnh lại, anh bạn tôi vẫn đùa: “Bây giờ không ăn cũng chết, ăn cũng chết; thôi thì đằng nào cũng chết, thì thà cứ ăn còn hơn”. Thế mới biết, hiện nay chúng ta đặc biệt là người thành phố đang phải đối mặt với những bữa ăn mà nguy cơ có thể nhập viện bất cứ lúc nào: nhẹ thì cũng mất vài triệu tiền thuốc, còn nặng thì có thể đi “gặp ông bà tổ tiên”.
 


Bữa sáng với sunphit natri

Khoảng 13h ngày 22-11, tổ công tác đội Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường CAQ Hai Bà Trưng (Hà Nội), phát hiện, kiểm tra xe tải loại 1,25 tấn đang bốc hàng trong khuôn viên bến xe Lương Yên. 55 thùng car-ton đã được xếp lên chiếc xe mang BKS: 29C-00910. Trong mỗi thùng có hàng chục chai dung dịch đựng chất lỏng. Người điểu khiển xe ô tô, Lê Xuân Phúc (24 tuổi, quê Thanh Hóa), khai nhận được thuê chở số hàng trên, điểm đến là đường Lê Văn Lương kéo dài.

Qua kiểm tra, lực lượng Công an xác định có 3 loại sản phẩm trên xe, là mù-tạt, gia vị nước lẩu và đặc biệt là gia vị phở gà cho món ăn sáng khoái khẩu của người Hà Thành. Tất cả đều không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc. Nhãn mác hàng hóa thể hiện do Trung Quốc sản xuất. Vụ việc đang được Công an quận Hai Bà Trưng phối hợp cùng Đội quản lý thị trường (QLTT) số 5 giải quyết.

Vào cuối tháng 10 vừa qua, một vụ vận chuyển nội tạng động vật ôi thiu với số lượng lớn từ Trung Quốc về Việt Nam tiêu thụ cũng đã bị lực lượng chức năng Hà Nội bắt giữ. Kiểm tra xe tải mang BKS 89C – 04055 đang bốc hàng tại khu vực Ninh Hiệp, Gia Lâm, Hà Nội, lực lượng liên ngành phát hiện 17 kiện hàng đều là nội tạng đã biến đổi màu và đang bốc mùi hôi thối trên xe, không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc số hàng cũng như giấy tờ kiểm dịch.

Thông tin từ lực lượng Cảnh sát môi trường cho biết, lợn Trung Quốc thải loại có dư lượng kháng sinh lớn, nên nội tạng loại lợn này vốn không được phép sử dụng làm thực phẩm. Tuy nhiên, do lợi nhuận nhiều đối tượng đã bất chấp thủ đoạn để nhập lậu thực phẩm bẩn vào Việt Nam.

Theo tiến sĩ Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ Sinh học và Công nghệ Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội, để tẩy trắng một số thực phẩm, nhiều hộ sản xuất vẫn thường dùng đến chất tẩy trắng sunphit natri (Na2SO3). Sunphit natri tách ra thành SO2 là chất oxy hóa mạnh, gây ảnh hưởng xấu tới đường ruột, có thể gây viêm loét dạ dày. Ngoài ra, đây là một chất gây độc, có khả năng gây viêm niêm mạc mắt, niêm mạc miệng, gây hại nghiêm trọng tới sức khỏe người tiêu dùng, đặc biệt là đối với trẻ em.

Bữa trưa đi cấp cứu

Mới đây, ngày 23/11/2013, sau bữa cơm trưa nhiều công nhân của Công ty Pou-Yuen Việt Nam (Bình Tân, TP. HCM) lần lượt lên phòng khám của công ty trong tình trạng đau bụng, ói, tiêu chảy... Sau khi khám, do có triệu chứng nhẹ nên nhiều công nhân được cho thuốc về nhà uống. Tuy nhiên, có 12 công nhân buộc phải ở lại phòng khám để truyền dịch vì có biểu hiện ngộ độc thực phẩm nặng,

Trước thực trạng người ngộ độc thực phẩm diễn ra tràn lan thời gian qua, Cục Cảnh sát PCTP về môi trường C49 Bộ Công an đã tiến hành kiểm tra hàng loạt cơ sở sản xuất thức ăn. Đa số cơ sở mà C49 kiểm tra đều vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm, không có giấy phép kinh doanh, không có giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm. Đáng chú ý, C49 đã phát hiện một số cơ sở có dùng hóa chất tẩy trắng, làm bóng thực phẩm và chống mốc không rõ nguồn gốc xuất xứ khi sản xuất bún, bánh canh, hủ tiếu. C49 đã thu giữ các thùng hóa chất, mẫu nước thải, bột và thành phẩm của các cơ sở để tiến hành giám định.

Một cán bộ của Cục PCTP về môi trường cho biết, sử dụng chất huỳnh quang làm sáng bóng thực phẩm rất hại cho cơ thể vì nó chứa nhiều tạp chất, nhất là các kim loại nặng. Nếu sử dụng lâu dài, các tồn dư kim loại nặng sẽ tích tụ lại trong cơ thể ảnh hưởng lên gan, thận, thần kinh, gây ra các bệnh mạn tính, khiến người hay mệt mỏi, uể oải, nguy cơ gây ung thư.

Tình trạng thực phẩm bẩn, đặc biệt là xúc xích và chả cá Trung Quốc nhập lậu về Việt Nam với sự nguy hại khôn lường về sức khỏe đang có những diễn biến vô cùng phức tạp. Tại các khu vực biên giới như: Lào Cai, Quảng Ninh, Lạng Sơn, các đầu nậu dùng mọi thủ đoạn để tuồn những mặt hàng độc hại khủng khiếp này vào nội địa.

Điều đáng chú ý là ngay cả các chất kích thích tăng trưởng độc hại cũng được giới đầu nậu nhập về. Vụ việc 80.000 lọ hóa chất kích thích giá đỗ được phát hiện là một điển hình; sau một thời gian dài trinh sát  PC49 CATP Hà Nội lần tìm các đầu mối mua bán, vận chuyển chất kích thích giá đỗ từ Trung Quốc đi các tỉnh, TP qua địa bàn Thủ đô. Đây là vụ phát hiện số lượng hóa chất kích thích giá đỗ lớn nhất từ trước đến nay trên địa bàn Hà Nội. Hiện vụ việc đang tiếp tục được làm rõ. Trước đó, nhiều đoàn kiểm tra an toàn thực phẩm của Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tại các tỉnh đã nhiều lần phát hiện và xử lý những cơ sở dùng hóa chất để sản xuất giá đỗ.

Có thể nói, hầu như tất cả các nguồn thực phẩm gây độc hại đều xuất phát từ bên kia biên giới và hiện các cơ quan chức năng vẫn chưa có một biện pháp nào có thể xử lý triệt để những mối nguy hiểm này. Vậy thì có nên như anh bạn của tôi, ta  đành chậc lưỡi: “Đằng nào cũng chết, thôi cứ ăn đi!”.
 

Nhóm PVXH

.