Giống như cao su, thời điểm này, khi những trở ngại, khó khăn trong chăm sóc cây thanh long cũng như thị trường thanh long đang bị bão hòa đã phơi bày rõ thì chuyện sang nhượng vườn cây cũng khó.

 

 

Giá mủ cao su hiện đang xuống thấp cộng thêm những dự báo của các chuyên gia kinh tế về thị trường mủ cao su cung vượt cầu, người trồng khó có thể có lời trong vài năm tới đã khiến người dân ở Đức Linh, Tánh Linh không thể trông chờ thành quả mang lại từ vườn cao su của mình. Bây giờ, tại các quán xá ở hai nơi trên, không khí rao bán đất vườn cao su, gỗ cao su… nhộn nhịp. Những người có nhiều diện tích cao su đã rao bán vườn, tùy vào vị trí có mức giá khác nhau. Vườn 7 - 8 năm tuổi, tức đã thu hoạch 1 - 2 năm, gần khu dân cư có giá xấp xỉ 500 triệu đồng/ha. Vườn có cây lớn tuổi hơn, xa khu dân cư có giá từ 300 triệu đồng đến hơn 400 triệu đồng/ha. Tuy nhiên, rao bán truyền miệng nhau nhiều nhưng hình như không có ai mua nên thành ra, câu chuyện bán vườn cao su ở hai nơi trên càng trở nên nóng sốt ở khía cạnh mong muốn của người bán.

Tình hình này và cả chuyện do nhiều người dân chặt vườn cao su lâu năm nên giá gỗ cao su cũng bị tụt giảm. Nếu trước đây, gỗ 1 cây cao su có giá từ 800.000 – 1.000.000 đồng thì nay còn khoảng 200.000 - 500.000 đồng/cây, tùy kích cỡ lớn nhỏ. 1 ha có khoảng 500 - 550 cây, bán gỗ cũng được một số tiền kha khá để đầu tư cây trồng khác. Vậy còn may hơn so với những vườn cây mới trồng được 1 - 2 năm tuổi, không thu được gì, nhưng có một số nhà cũng quyết định chặt cây cao su để trồng cây khác. Tình hình này cũng không có gì lạ, vì lâu nay điệp khúc chặt - trồng cây này, cây khác khi mất - được giá vẫn diễn ra. Còn nhớ, những năm 1999 - 2000, cây cao su cũng rơi vào tình cảnh trên rồi những năm sau, mủ có giá và dân trồng lại với diện tích nhiều dần đến thời điểm này.

Khác với cao su, cây thanh long chưa rơi vào tình cảnh bị chặt, dù hàng mùa thường rớt giá thê thảm. Bởi bù lại, phần lớn hàng thanh long chong điện có giá được nên diện tích cứ tăng dần theo thời gian. Đồng thời, xuất hiện nhiều trang trại thanh long có diện tích từ 20 - 30 ha trở lên và cũng xuất hiện những ông chủ thanh long xếp vào hàng đại gia về mức độ đầu tư. Nhưng trong mùa khô hạn năm nay thì những đại gia này mới thấm thía nỗi khổ của những vườn thanh long quá rộng. Thiếu nước, cây không khỏe, bị sâu bệnh tấn công, trái có được không thể đạt chuẩn nên tỷ lệ trái hàng dạt nhiều, phải bán với giá quá thấp. Vốn đầu tư lớn, chi phí hàng tháng từ nhân công, phân thuốc… cũng nhiều nhưng nguồn thu không đủ bù chi nên nhiều đại gia bị vỡ giấc mộng sẽ hốt bạc chỉ sau một vài vụ thu hoạch thanh long được giá. Do đó thời gian này, ở các vùng thanh long ở Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam có nhiều người rao bán trang trại thanh long có diện tích lớn. Giống như cao su, khi những trở ngại, khó khăn trong chăm sóc cây thanh long cũng như thị trường thanh long đang bị bão hòa đã phơi bày rõ thì chuyện sang nhượng vườn thanh long cũng khó. Rao bán nhiều nhưng ít ai tìm mua như những dạo thanh long có giá cao…

 

Theo Báo Bình Thuận

.