leftcenterrightdel
 Khu vực đổ thải đang tạo lên những núi nhân tạo gây bụi vào thành phố Cẩm Phả.

Theo HĐND thành phố Cẩm Phả cho biết, đến thời điểm hiện nay, còn nhiều đơn vị của Tập đoàn Công nghiệp than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) và của Tổng Công ty Đông Bắc - Bộ Quốc Phòng vẫn đang áp dụng phương pháp khai thác lộ thiên, chưa chuyển sang khai thác theo công nghệ hầm lò. Trong khi đó, công nghệ khai thác lộ thiên được đánh giá là gây tác hại rất lớn về ô nhiễm môi trường.

Ở những khu vực khai thác lộ thiên đã tạo nên những quả đồi nhân tạo tại các bãi đổ thải như ở: Cọc Sáu cao 280m, nam Đèo Nai 200m, đông Cao Sơn 250m và đông bắc Bàng Nâu 150m... Các bãi thải thường có sườn dốc tới 350m.

Hầu hết các đơn vị còn đổ thải chưa đúng quy trình, vẫn xảy ra tình trạng sạt lở, phát tán bụi, làm ảnh hưởng hoặc vùi lấp công trình thoát nước, có nguy cơ mất an toàn cho người và tài sản; hệ thống băng tải vận chuyển đá, xít thải hoạt động phát tán lượng bụi lớn, tại thời điểm giám sát không thấy hệ thống phun sương dập bụi hoạt động như ở Công ty Cổ phần than: Cao Sơn, Tây Nam Đá Mài. Một số khu vực đổ thải nhưng chưa hoàn thiện các công trình bảo vệ môi trường như ở: Bãi thải Nam Khe Tam - Đông Khe Sim; bãi thải Bàng Nâu thuộc Công ty Cổ phần than: Đèo Nai, Cao Sơn và Cọc Sáu được giao quản lý.

Tại các khu vực đang đổ thải chưa có giải pháp chống bụi hiệu quả; một số tuyến đường vận chuyển chưa được tưới nước thường xuyên như ở Công ty Cổ phần than: Cao sơn, Tây Nam Đá Mài... Một số phương tiện, thiết bị vận chuyển than, đất, đá và bã xít... của đơn vị ngành than phủ bạt chưa đúng quy định hoặc không che chắn, phủ bạt, chạy tốc độ cao tạo ra lượng bụi rất lớn ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ người lao động và phát tán ra môi trường khu dân cư.

leftcenterrightdel
Khai thác lộ thiên có nơi tạo thành địa hình âm 150m. 

Khai thác lộ thiên khiến nhiều moong tạo thành địa hình âm có độ sâu từ 50-150m dưới mực nước biển trung bình (mỏ than của Công ty Cổ phần than Cọc Sáu). Đất đai khu vực khai thác mỏ thường bị bóc đi lớp đất màu, dễ bị xói mòn, nên không thuận lợi cho việc phục hồi môi trường...

Đến thời điểm này, nhiều mỏ lộ thiên đã âm ở mức quá giới hạn cho phép là -300m (so với mặt biển), nhưng vẫn tiếp tục khoan thăm dò khai thác, gây ra những tác hại về cấu tạo địa chất, làm tiền đề cho những thảm họa khác như lở đất, nhiễm mặn và biến đổi sinh thái.

Theo bà Nguyễn Thị Tuyết Mai – Phó Chủ tịch HĐND thành phố Cẩm Phả cho biết, hiện nay, môi trường không khí các khu vực khai thác khoáng sản đang bị ô nhiễm do bụi, khí độc, khí nổ và tiếng ồn... Hàm lượng bụi tại các khu vực khai thác, chế biến than và tại các khu dân cư lân cận vượt tiêu chuẩn cho phép. Do tốc độ khai thác than tăng nhanh nên khối lượng chất thải rắn và nước thải mỏ thải ra môi trường ngày càng nhiều, tạo ra xói mòn, rửa trôi, bồi lấp ở các sông, suối, làm ô nhiễm môi trường khá nặng nề cho vùng mỏ Cẩm Phả, ảnh hưởng lớn đến việc thu hút nguồn lực đầu tư để phát triển bền vững cho thành phố.

Hoàng Hưng