Nhập siêu trong 6 tháng chứng tỏ sản xuất trong nước đã có dấu hiệu hồi phục. Tuy nhiên, theo con số Bộ Công Thương đưa ra thì nhập siêu của Việt Nam đang phụ thuộc lớn vào thị trường Trung Quốc.
 

Cùng thời gian trên, kim ngạch nhập khẩu ước đạt 63,4 tỷ USD, tăng 17,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó nhập khẩu của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài là 35,7 tỷ USD, tăng 27,8%; khu vực đầu tư trong nước là 27,7 tỷ USD, tăng 6,3%.

Như vậy, nhập siêu 6 tháng đầu năm nước khoảng 1,4 tỷ USD, trong đó khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài xuất siêu hơn 5,4 tỷ USD, doanh nghiệp trong nước nhập siêu 6,8 tỷ USD.

Đánh giá về tình hình nhập siêu, bà Hồ Thị Kim Thoa, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho rằng, nhập siêu cho thấy sản xuất đang có dấu hiệu hồi phục. Điều này có thể nhìn thấy rõ qua con số nhập khẩu của nhóm hàng cần nhập khẩu.

Cụ thể, nhóm hàng cần nhập khẩu ước đạt 55,8 tỷ USD, tăng 16,7% so với cùng kỳ năm ngoái, chiếm tỷ trọng 88% trong tổng kim ngạch nhập khẩu. Nhóm hàng này chủ yếu là nguyên nhiên liệu, máy móc phục vụ cho sản xuất trong nước.

Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu bổ sung thêm, nhóm mặt hàng cần hạn chế NK không tăng nhiều, duy có ô tô 9 chỗ ngồi trở xuống tăng 11,2% so cùng kỳ, nhưng trị giá NK thấp, chỉ 2,92 tỷ USD. Còn nhóm hàng cần kiểm soát như sắt thép, linh kiện ô tô xe máy chỉ chiếm 2,15 tỷ USD là mức thấp.

Tuy nhiên, theo thông tin ông Hải cung cấp, trong 5 tháng đầu năm, 5 thị trường nhập siêu lớn nhất của Việt Nam đều là các nước và vùng lãnh thổ ở châu Á, gồm: Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore, Thái Lan. Đáng chú ý, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập siêu rất lớn của Việt Nam, chỉ trong 5 tháng đầu năm đã đạt 8,9 tỷ USD.

Các chuyên gia kinh tế đã cảnh báo việc phụ thuộc quá lớn vào một thị trường nhập khẩu sẽ gặp nhiều rủi ro nếu việc nhập khẩu gặp trục trặc, nhất là trong bối cảnh hiện nay, 85% hàng nhập từ Trung Quốc là nguyên liệu đầu vào cho sản xuất trong nước và phục vụ gia công xuất khẩu.
 

Theo Phan Thu
Báo Hải Quan

.