Theo quy định, urê, hàn the là hóa chất cấm dùng trong thực phẩm nhưng thực tế, tình trạng người bán sử dụng hai chất này để bảo quản thủy hải sản (THS); thịt heo, bò… là khá phổ biến.
Hầu hết cá, mực, đặc biệt là cá biển… bày bán ở chợ đều đã chết, để đánh lừa người mua, người bán dùng urê pha loãng với nước đá nhúng THS vào, hoặc bôi hàn the vào thịt heo, bò cho trông có vẻ tươi hơn, có thể để qua ngày hôm sau bán tiếp. Chị H., chuyên doanh cá, mực chợ Căn cứ 26A (Q.Gò Vấp, TP.HCM) cho biết, các loại cá biển như: cá thu, cá ngừ, cá nục, cá chim… và mực, bạch tuộc đều phải nhúng qua urê pha nước đá không những một lần khi đưa từ biển vào mà càng qua nhiều khâu bán buôn thì cá, mực càng bị nhúng urê thêm nhiều lần. “Không dùng hóa chất thì phải chấp nhận thêm chi phí mua đá bào nhuyễn phủ kín cá, mực mới bảo quản tươi lâu được, dùng vài cục đá thì không ăn thua, vì chỉ có một mặt cá, mực tiếp xúc với đá, phần không tiếp xúc vẫn ươn như thường”, chị H. nói.
Độc hại ra sao?
BS Trần Văn Ký - Hội Khoa học kỹ thuật an toàn thực phẩm VN (Văn phòng phía Nam) cho biết, sở dĩ người ta dùng urê để bảo quản THS tươi lâu là do urê hòa tan trong nước sẽ làm tăng độ lạnh, giữ cá, mực trông tươi lâu hơn. Nhưng, urê và hàn the không nằm trong danh mục “các loại hóa chất phụ gia được Bộ Y tế cho phép sử dụng trong việc bảo quản và chế biến thực phẩm” nên nếu lạm dụng sẽ gây nguy hại cho sức khỏe người ăn. Khi ăn phải cá, mực, thịt… có dư lượng urê, hàn the cao thì người ăn có thể bị ngộ độc cấp tính với các biểu hiện đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy, chóng mặt… có thể dẫn đến tử vong. Dù với hàm lượng ít, urê, hàn the khi vào cơ thể sẽ tích tụ về lâu dài, gây ngộ độc mạn tính, biểu hiện là thường đau đầu không rõ nguyên nhân, mất ngủ, giảm trí nhớ, ảnh hưởng đến gan, thận, biếng ăn, suy nhược cơ thể…
Nhận diện thế nào?
Theo anh Lê Năm - chuyên doanh THS tươi sống tại chợ Bình Điền (Q.8, TP.HCM), để ý kỹ có thể nhận biết được cá ướp bằng urê. Cá ướp urê nhìn thấy rất tươi, mắt cá trong, mang cá đỏ tươi hơn bình thường, nhưng khi ấn tay vào thân cá thì thấy mềm, mình cá lõm xuống do độ đàn hồi thấp, ngửi cá có mùi lạ chứ không phải mùi tanh đặc trưng của cá. Với mực, bạch tuộc… cũng tương tự, nhìn tươi nhưng khi chế biến sẽ không có độ ngọt, thơm tự nhiên mà thịt mềm, nhũn, hôi… Thịt heo, bò khi bị tẩm hàn the nhìn bên ngoài thấy tươi ngon, màu thịt đỏ nhưng khi cắt ra, bên trong màu thịt khác thường, thịt mềm nhũn, ấn miếng thịt bị lõm xuống, không trở lại hình dạng ban đầu.
Theo Nguyễn Cẩm
PNO