Chỉ tính riêng trong 4 tháng đầu năm 2013, giá trị các mặt hàng nằm trong nhóm hạn chế nhập khẩu có mặt tại Việt Nam đã lên tới hơn 1,6 tỷ USD.

 


Minh, sinh viên một trường cao đẳng tại Hà Nội, cho biết vừa đẩy đi con iPhone 4 của mình với giá 6 triệu đồng và phải bù thêm vào 9 triệu nữa để tậu về chiếc iPhone 5 mới cứng. Khi được hỏi hiện đang còn đi học thì lấy tiền đâu ra để mua điện thoại, Minh cho biết lấy tiền học và xin thêm bố mẹ. Còn về lý do "lên đời" chiếc điện thoại thì Minh thản nhiên trả lời: "Bạn bè có hết rồi, không dùng như chúng nó thì quê lắm.".

Một ví dụ khác là Khánh có tuổi đời khá trẻ, hiện là nhân viên của một công ty tư nhân, người này không chỉ sở hữu iPhone 5 mà bên cạnh đó còn là những mẫu máy mới như HTC One và Galaxy S4.

Lý giải về số lượng điện thoại có giá trị lên tới gần 50 triệu đồng trên, Khánh cho biết mình có sở thích về công nghệ, mẫu máy mới ra không mua thì không chịu được, dù có phải tiết kiệm, nhịn ăn tiêu mấy tháng cũng đành cố. Mặc dù về sau, chính Khánh cũng thú nhận mình chả mấy khi tận dụng hết các chức năng tiện lợi của những chiếc máy trên.

Theo ý kiến của các chuyên gia kinh tế, thói quen vung tay cho các loại điện thoại đắt tiền của người Việt, trong tức thời có thể có tác dụng tốt khi kích thích tiêu dùng của thị trường. Nhưng trong giai đoạn kinh tế khó khăn hiện nay, thói quen này không chỉ thúc đẩy tư tưởng "sùng ngoại", khiến các thương hiệu điện thoại trong nước khó tiêu thụ hơn mà còn khiến nền kinh tế thêm phần khó khăn khi tỷ lệ nhập siêu gia tăng.
 

Theo Hà Thanh
VTC

.