Mới đây, cử tri tại quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng đã có kiến nghị, cơ quan chức năng của thành phố cần có các giải pháp hữu hiệu để sớm phát hiện, cảnh báo và ngăn chặn kịp thời hành vi lừa đảo theo hướng vay tiền của người dân bằng hình thức ký hợp đồng vay tài sản, như trường hợp của Công ty TNHH một thành viên Tư vấn đầu tư GFDI tại Đà Nẵng vừa qua.

Phòng Cảnh sát kinh tế Công an TP Đà Nẵng đã có phản hồi về ý kiến cử tri này. Theo đó, qua quá trình điều tra vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Công ty TNHH MTV Tư vấn đầu tư GFDI, phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng do Nguyễn Quang Hoàng (SN 1988, ngụ quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) và đồng bọn thực hiện từ năm 2022 đến năm 2024, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Đà Nẵng nhận thấy thủ đoạn của các đối tượng là lợi dụng tâm lý ham lời của người dân, đưa ra các mức lãi suất cao gấp nhiều lần so với lãi suất ngân hàng để người dân đồng ý đầu tư, ký hợp đồng vay tài sản. Từ đó, các đối tượng chiếm đoạt số tiền hơn 3.700 tỉ đồng của hơn 7.500 khách hàng.

leftcenterrightdel
 Lực lượng chức năng khám xét các trụ sở chi nhánh của Công ty GFDI. (Ảnh: CA)

Qua vụ án này, để phát hiện và ngăn chặn kịp thời các hành vi lừa đảo với phương thức, thủ đoạn tương tự, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Đà Nẵng khuyến cáo các cơ quan quản lý nhà nước như Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Tài chính, Sở Tư pháp... cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người dân về những rủi ro khi tham gia vào các hình thức huy động vốn với hứa hẹn lãi suất cao.

Đồng thời, các cơ quan này cũng cần nâng cao công tác quản lý, thực hiện kiểm tra chặt chẽ đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực đầu tư và huy động vốn từ người dân với lãi suất cao mà không có mô hình kinh doanh rõ ràng, không công khai các số liệu tài chính, nhằm đánh giá và cảnh báo người dân.

Người dân cần nâng cao cảnh giác, tìm hiểu kỹ thông tin pháp lý và tình hình hoạt động của các doanh nghiệp tư vấn đầu tư; xem xét cẩn trọng các lời mời gọi đầu tư hoặc gửi tiền dưới hình thức ký hợp đồng hợp tác đầu tư hay hợp đồng vay tài sản với cam kết lãi suất cao hơn nhiều so với lãi suất ngân hàng, nhưng doanh nghiệp lại không cung cấp thông tin rõ ràng về mục đích sử dụng nguồn vốn huy động, các số liệu tài chính không minh bạch hoặc không công khai khi được yêu cầu.

Khi phát hiện các tổ chức, doanh nghiệp hoặc cá nhân hoạt động theo mô hình này, người dân cần kịp thời phản ánh tới các cơ quan nhà nước để có biện pháp quản lý, ngừng hành vi vi phạm và giảm thiểu thiệt hại cho người dân và xã hội.

Như Báo BVPL đưa tin, Công ty GFDI được Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Đà Nẵng cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp ngày 17/5/2018 với vốn điều lệ 80 tỉ đồng, ngành nghề kinh doanh chính là hoạt động tư vấn quản lý, tư vấn đầu tư (không bao gồm hoạt động đầu tư chứng khoán). Công ty thành lập Hội sở tại số 92 đường 29/3, Hòa Xuân, Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng, có chi nhánh Sở giao dịch tại số 47 Núi Thành, phường Hòa Thuận Đông, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng và 11 chi nhánh tại các tỉnh thành gồm Hà Nội, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị, Huế, Đắk Lắk, Bình Định, Khánh Hòa, Cần Thơ, TP Hồ Chí Minh, Bà Rịa – Vũng Tàu.

Để khách hàng tin tưởng và cho công ty vay tiền, ông Nguyễn Quang Hoàng chỉ đạo cho các chi nhánh, phòng kinh doanh, nhân viên kinh doanh quảng cáo, đưa ra thông tin gian dối rằng toàn bộ dòng tiền của khách hàng sẽ được Công ty GFDI sử dụng đầu tư các dự án có khả năng sinh lời cao như nhà hàng, sản xuất hàng tiêu dùng và thương mại,… đồng thời cam kết với khách hàng sẽ hoàn trả tiền gốc, lãi đúng theo hợp đồng đã ký. 

Đồng thời, nhằm tăng sự tin tưởng và thu hút khách hàng, Hoàng chỉ đạo xuất bản các ấn phẩm quảng cáo, chạy nhiều chương trình marketing để giới thiệu về các dự án đầu tư trên, đồng thời đưa ra các hạn mức lãi suất cho vay hấp dẫn, cao hơn nhiều so với lãi suất ngân hàng như: gói 1 tháng (lãi suất 1,5% - 2%), 3 tháng (lãi suất 2,5%/1 tháng), 6 tháng (lãi suất 3%/ 1 tháng), từ 9 tháng trở lên (lãi suất 3,5%/ 1 tháng). Tuy nhiên, sau khi nhận được tiền từ khách hàng, Hoàng sử dụng sai mục đích và sử dụng chính vào các chi phí cho hoạt động kêu gọi vay tiền cũng như trả lãi cho các hợp đồng đến hạn.

Quá trình điều tra ban đầu xác định, Nguyễn Quang Hoàng đã chiếm đoạt của 7.541 khách hàng với tổng số tiền hơn 3.700 tỉ đồng. Hành vi phạm tội của Nguyễn Quang Hoàng có sự hỗ trợ, giúp sức của Nguyễn Đỗ, Trần Thị Mỹ Hạnh, Tô Hồng Trà và Trần Thị Kiều Trang.

 

PV