Xưởng tái chế phế liệu gần hồ chứa nước
Từ phản ánh của người dân, nhóm Phóng viên báo Bảo vệ pháp luật đi sâu vào khu vực rừng Thung Buồng, thấy gần bên hồ An Nghĩa, thuộc thôn 6 xã Quỳnh Tân, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) có một khu nhà xưởng. Trên khuôn viên đất khá rộng này, dựng nhà xưởng khá kiên cố, có người và máy móc đang hoạt động sơ chế phế liệu.
|
|
Xưởng sơ chế phế liệu dựng trái phép trên đất lâm nghiệp nhìn từ trên cao. |
Trực tiếp quan sát, Phóng viên nhận thấy hoạt động sơ chế phế liệu đang diễn ra, với 4, 5 người vừa điều khiển xe máy có cần và gàu ngoặm, vừa sắp xếp từng cuộn thép vào vị trí, cũng như đang điều khiển máy cuộn thép.
Theo người dân phản ánh, nhà xưởng này đã hoạt động sơ chế phế liệu gần tháng nay, với nhiều chuyến xe ô tô tải ra, vào vận chuyển phế liệu đến và đi. Phế liệu chủ yếu là lốp ô tô đã qua sử dụng, đốt lấy tanh (sợi thép trong lốp ô tô).
|
|
Hoạt động sơ chế tạo ra nhiều bụi bặm, gây ô nhiễm môi trường. |
Tìm hiểu của Phóng viên, được biết khu đất lâm nghiệp này là của hộ ông Nguyễn Đăng Công, còn người mượn đất dựng nhà xưởng sơ chế phế liệu là một người từ nơi khác đến. Hoạt động lập xưởng sơ chế phế liệu này chưa được sự đồng ý của chính quyền địa phương.
Điều đáng nói, xưởng sơ chế phế liệu này nằm gần hồ chứa nước An Nghĩa. Hoạt động sơ chế phê liệu có dấu hiệu gây ô nhiễm môi trường.
Ngang nhiên hoạt động dẫu đã bị đình chỉ.
Trao đổi với Phóng viên, ông Nguyễn Thành Tâm – Chủ tịch UBND xã Quỳnh Tân cho biết, đã nắm được sự việc này và đã có báo cáo lên huyện.
Chủ tịch UBND xã Quỳnh Tân xác nhận, khu đất có nhà xưởng hoạt động sơ chế phế liệu đó là của hộ ông Nguyễn Đăng Công, người đến dựng nhà xưởng để làm là một người ở bên xã Quỳnh Văn.
|
|
Hoạt động cuộn sợi tanh lốp ô tô cũng gây ra nhiều bụi bặm. |
“Trước họ đã dựng nhà xưởng làm tại xã Quỳnh Văn, sau Quỳnh Văn đình chỉ không cho làm, nên họ lên Quỳnh Tân, điểm giáp ranh với Quỳnh Văn để làm... Lúc họ lên làm là điểm giáp với Ngọc Sơn nên anh em cũng không quản lý được. Đến khi phát hiện thì xã đã lập biên bản, đình chỉ không cho làm” – ông Nguyễn Thành Tâm cho biết.
Trước thông tin Phóng viên cung cấp là hoạt động sơ chế phế liệu vẫn diễn ra, thì ông Nguyễn Thành Tâm cho biết, sẽ chỉ đạo cán bộ chuyên môn lên kiểm tra, nếu vẫn hoạt động thì sẽ lập biên bản đình chỉ và xử lý theo quy định pháp luật.
|
|
Xưởng sơ chế nằm trên đất lâm nghiệp, gần hồ chứa nước An Nghĩa. |
Cũng theo Chủ tịch UBND xã Quỳnh Tân, việc này xã đã có báo cáo lên Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện. Còn về trách nhiệm của xã, lúc xã phát hiện được thì đã có công văn đình chỉ, tạm dừng hoạt động.
Theo thông báo do Chủ tịch UBND xã Quỳnh Tân cung cấp, thì ngày 28/4/2023, UBND xã Quỳnh Tân đã có thông báo “Kết quả giải quyết kiến nghị của nhân dân về việc gia đình ông Nguyễn Đăng Công – thôn 6 xây nhà trái phép trên đất lâm nghiệp để làm điểm thu gom và đốt lốp ô tô”.
Thông báo cho biết, ngày 28/4/2023, UBND xã Quỳnh Tân đã thành lập đoàn kiểm tra xác minh thực tế tại thửa đất lâm nghiệp ông Nguyễn Đăng Công. Qua kết quả kiểm tra xác minh cho thấy tại thửa đất lâm nghiệp của ông Nguyễn Đăng Công - có dựng 1 dàn mái tôn có kích thước 5x10m, nền bê tông 10cm, mục đích để làm máy ép sắt phế thải.
|
|
Thông báo đình chỉ hoạt động của UBND xã Quỳnh Tân. |
“Tại thực địa kiểm tra có 1 xe ô tô chở 18 tấn, trong đó có bột tanh lốp, lốp ô tô đã bị đốt cháy vương bụi trên đất làm nghiệp của ông Nguyễn Đăng Công. Đoàn kiểm tra yêu cầu giữ nguyên hiện trạng và mời các cá nhân liên quan về UBND xã làm việc” – Thông báo cho biết và yêu cầu giữ nguyên hiện trạng, không tiếp tục cơi nới, xây thêm công trình trên đất làm nghiệp; những người có liên quan không thực hiện việc thu mua, vận chuyển lốp ô tô về khi chưa có sự thống nhất của UBND xã.
Tại cuộc họp vào chiều cùng ngày do ông Nguyễn Thành Tâm – Chủ tịch UBND xã Quỳnh Tân chủ trì, đã kết luận: Đình chỉ việc xây dựng công trình, hoạt động thu mua tanh lốp ô tô để sơ chế trên thửa đất lâm nghiệp của ông Nguyễn Đăng Công và nói rõ “Nếu hộ ông Nguyễn Đăng Công tiếp tục thực hiện trái quy định thì phải chịu xử lý theo quy định của pháp luật”.
|
|
Dẫu xã đã đình chỉ, nhưng xe máy ở xưởng sơ chế phế liệu vẫn hoạt động. |
Như vậy cho thấy, dẫu chính quyền địa phương đã lập biên bản, thông báo đình chỉ hoạt động, nhưng xưởng sơ chế phế liệu trái phép này vẫn bất chấp và ngang nhiên hoạt động.
Điều này đặt ra câu hỏi, ai chống lưng cho điểm sơ chế phế liệu này tiếp tục tồn tại?