(BVPL) - Ngành thép trong nước đang điêu đứng vì tình trạng nhu cầu trong nước yếu, trong khi các sản phẩm giá rẻ từ Trung Quốc lại ồ ạt “tấn công” lấn át các các công ty sản xuất thép. Nhiều chuyên gia trong ngành xây dựng cho biết, hiện hàng rào kỹ thuật của chúng ta còn lỏng lẻo, chưa có quy chuẩn chất lượng… đây chính là những nguyên nhân chính khiến thép của Việt Nam bị “tấn công” ngay trên sân nhà.

 


Thép Trung Quốc “đổ bộ” vào Việt Nam

Theo khảo sát, hiện giá thép tấm đen nhập từ Trung Quốc chỉ trong vài tháng qua đã giảm mạnh 40%, hiện còn khoảng 7,3 triệu đồng/tấn, thép cuộn mạ kẽm từ Trung Quốc giảm từ 12,5 triệu đồng/tấn xuống còn 10 triệu đồng/tấn. Những mặt hàng này được sử dụng chủ yếu trong các công trình xây dựng, nhà xưởng…. Do giá thép Trung Quốc hiện khá rẻ nên lượng hàng nhập về tăng nhanh chóng. Theo số liệu thống kê của Bộ Công thương, đến cuối tháng 10-2015 tổng lượng sắt thép các loại nhập khẩu vào Việt Nam từ Trung Quốc đã lên đến 7,71 triệu tấn, tăng 62% so với cùng kỳ năm ngoái và chiếm 61,1% tổng lượng nhập khẩu nhóm hàng này của cả nước. Riêng phôi thép, chỉ tính trong vòng 9 tháng đầu năm 2015 đã có 1,135 triệu tấn phôi thép nhập vào Việt Nam, trong đó phôi thép giá rẻ từ Trung Quốc chiếm đến 75% với giá nhập khẩu rẻ hơn 35 – 40 % so với cùng kỳ.  

Theo Hiệp hội Thép Việt Nam, lượng phôi thép nhập khẩu từ Trung Quốc hiện tăng chóng mặt do khâu kiểm soát lỏng lẻo. Lượng phôi thép này đã được Trung Quốc tính toán bỏ thêm nguyên tố boron hoặc crom để tạo thành thép hợp kim nhằm hưởng thuế suất nhập khẩu là 0% thay vì 5 -10% như những loại khác. Tuy nhiên, toàn bộ số thép này khi nhập vào Việt Nam đều dùng vào việc sản xuất thép xây dựng.

Các chuyên gia trong ngành thép cho rằng, một trong những nguyên nhân khiến tình trạng thép Trung Quốc nhập khẩu ồ ạt vào Việt Nam là do quy định và hàng rào kỹ thuật ở Việt Nam còn lỏng lẻo. Đã thế, khâu kiểm soát, thực thi quy định của chúng ta chưa chặt chẽ. Theo ghi nhận, tình trạng gian lận độ dày của tôn diễn ra khá phổ biến.

Tôn ghi độ dày một kiểu nhưng thực tế do khó đo nên nhiều đơn vị bị bớt xén từ 10 – 25%. Thêm vào đó, độ dày của lớp mạ theo công bố có thể là AZ70, nghĩa là sẽ mạ 70g hợp kim nhôm kẽm/m2, nhưng tôn kém chất lượng chỉ mạ 30g hoặc 40g, chưa kể chất lượng sơn không đảm bảo.

Theo tiết lộ của một Phó Giám đốc doanh nghiệp sản xuất tôn lớn khác ở phía Nam, hiện có tình trạng một số doanh nghiệp sản xuất tôn có quy mô nhỏ, chưa có thương hiệu trên thị trường đã đặt hàng tận bên Trung Quốc dập sẵn code mã hàng, ký hiệu sản phẩm, logo thương hiệu của các doanh nghiệp đã có uy tín trên thị trường rồi nhập về Việt Nam, bán cùng với sản phẩm có thương hiệu.

Tình trạng này đang rất phổ biến ở khu vực miền Bắc, miền Trung và Tây nguyên. Khi họ đặt làm, độ dày, độ mạ và độ phủ sơn của sản phẩm giả hiệu đương nhiên sẽ thấp hơn tiêu chuẩn của các doanh nghiệp có uy tín nên giá sẽ rẻ hơn.

Chất lượng công trình đi đến đâu?

Theo khảo sát, toàn bộ thép chất lượng thấp nhập khẩu từ Trung Quốc đều được sử dụng vào các công trình xây dựng. Vậy tuổi thọ và sự an toàn của các công trình liệu sẽ đi đến đâu?

Về vấn đề này, dư luận có quyền đặt câu hỏi rằng hiện trong nước có hàng loạt các công trình xây dựng, các nhà ở xã hội, thậm chí cả nhà ở thương mại được bán với giá thấp. Liệu ai dám đảm bảo rằng những công trình này không sử dụng các loại tôn thép kém chất lượng, trong khi hiện tại các khâu kiểm soát của chúng ta về cơ bản còn vô cùng lỏng lẻo. Khi được hỏi, rất nhiều người dân cho biết rằng họ cảm thấy nghi ngờ vì gần đây rất nhiều công trình xây dựng, các khu nhà cao tầng, khu chung cư có chất lượng cực kỳ kém.

Điều đáng nói là, chất lượng công trình được làm từ thép giả, thép kém chất lượng đồng nghĩa với quyền được bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khỏe và tài sản của người tiêu dùng đang bị thách thức. Hiện các nước trên thế giới đều kiểm soát chất lượng tôn, thép nhập khẩu rất chặt chẽ, doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu gặp rất nhiều khó khăn nhưng vẫn phải chấp nhận bởi đây là luật chơi toàn cầu. Vậy tại sao chúng ta ngoài việc nâng cao năng lực cạnh tranh của từng doanh nghiệp lại không vào cuộc đồng bộ, hoàn thiện các văn bản pháp lý và xây dựng các quy chuẩn kỹ thuật đối với thép nhập khẩu.

Thiết nghĩ, cơ quan chức năng cần có những chế tài mạnh đối với các mặt hàng thép nhập khẩu kém chất lượng từ nước ngoài.
 

Hữu Bắc

.