Nâng tầm thương hiệu cho kiệu và khoai môn
Cập nhật lúc 13:39, Thứ năm, 23/10/2014 (GMT+7)
Cục sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học - Công nghệ) vừa trao giấy chứng nhận thương hiệu cho 2 sản phẩm thế mạnh của huyện Lấp Vò là kiệu và khoai môn. Đây là bước đệm tốt để 2 sản phẩm này có được chỗ đứng vững và vươn xa hơn trên thị trường.
Từ lâu, người tiêu dùng gần xa đã quen với chất lượng sản phẩm khoai môn của xã Mỹ An Hưng và xã Hội An Đông. Tuy nhiên, dù có nhiều ưu điểm về chất lượng, song một thời gian dài 2 sản phẩm này vẫn bị “cào bằng” chung giá với những sản phẩm cùng loại. Tháng 9 vừa qua đã mở ra “bước ngoặt” mới cho bà con vùng màu của huyện Lấp Vò khi 2 sản phẩm chủ lực này được cấp chứng nhận nhãn hiệu hàng hóa. Đây là “giấy thông hành” và cũng là cầu nối giúp nông sản thế mạnh của huyện Lấp Vò tiến xa hơn vào các thị trường, kênh tiêu thụ khó tính, góp phần giúp nông dân tăng thu nhập và yên tâm sản xuất.
Hòa chung với niềm vui khi đặc sản quê nhà được công nhận nhãn hiệu, mới đây, niềm vui của bà con nông dân vùng màu được nhân đôi khi có doanh nghiệp đặt vấn đề liên kết tiêu thụ sản phẩm khoai môn cho nông dân vùng Mỹ An Hưng.
Ông Nguyễn Hữu Thành - Giám đốc Công ty TNHH Đức Thành Green Food (Địa chỉ: Đường ĐT 848, tổ 2, ấp An Thái, xã Mỹ An Hưng A, huyện Lấp Vò, Đồng Tháp) cho biết: “10 năm trước, tôi đã xuất bán khoai môn của huyện Lấp Vò sang thị trường Úc, nhưng lúc đó tôi mua sản phẩm sau chế biến từ những công ty gia công nên chi phí đầu vào khá cao. Sau nhiều năm tìm kiếm vùng nguyên liệu, tôi đã chọn vùng trồng khoai môn của Mỹ An Hưng là nơi dừng chân. Sau khi phân tích và so sánh, tôi nhận thấy sản phẩm khoai môn ở đây có mùi thơm và vị rất đặc trưng, khoai môn rất dẻo, đặc biệt không bị sượng và củ có đường vân rất đẹp. Đây là điểm nổi bật của khoai môn vùng Mỹ An Hưng so với nơi khác”.
Cũng theo ông Thành, hiện tại trung bình mỗi ngày Công ty có thể chế biến và đóng gói khoảng 4 tấn khoai môn. Ông Thành đang tiếp tục thăm dò thị trường Úc với những sản phẩm mới của huyện Lấp Vò như: bắp nếp, ớt, xả, mảng cầu... tất cả sản phẩm đều được xử lý bằng công nghệ ozon, hút chân không và được bảo quản trữ đông. Ông Thành hi vọng những sản phẩm mới này sẽ được thị trường Úc đón nhận. Nếu thành công thì ngoài thu mua chế biến khoai môn, Đức Thành Green Food sẽ tiếp tục xuất khẩu một số loại nông sản khác của huyện Lấp Vò.
Sản phẩm kiệu và khoai môn của Lấp Vò được cấp chứng nhận nhãn hiệu hàng hóa, đây vừa là cơ hội và cũng là thách thức mà cả nông dân và chính quyền địa phương đang cùng nhau vượt qua. Anh Trần Văn To - Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Lấp Vò cho biết: “Để phát huy được thế mạnh từ chứng nhận thương hiệu, trước hết bà con nông dân vùng màu phải có sự hợp tác và liên kết với nhau trong sản xuất, việc thành lập tổ hợp tác sản xuất ở những khu vực có điều kiện thuận lợi là việc làm cần thiết và cấp bách trong giai đoạn hiện nay. Đồng thời, khi sản phẩm được công nhận thương hiệu thì đòi hỏi chất lượng sản phẩm làm ra ngày càng được nâng cao và sản phẩm sản xuất phải được đồng bộ theo một quy trình. Do đó, trách nhiệm của người nông dân phải được nâng cao hơn”.
Về kế hoạch phát triển dài hạn đối với sản phẩm kiệu và khoai môn, Phòng NN&PTNT huyện Lấp Vò cho biết, trong thời gian tới, ngành nông nghiệp huyện sẽ nghiên cứu hoàn chỉnh quy trình sản xuất trên cây khoai môn và cây kiệu chung cho cả vùng để bà con nông dân áp dụng vào sản xuất, nhằm giúp nông dân quản lý tốt sâu bệnh, giảm chi phí đầu tư, đồng thời đảm bảo chất lượng sản phẩm. Bên cạnh đó, huyện sẽ tổ chức xây dựng các mô hình trình diễn về sản xuất khoai môn, kiệu theo hướng GAP. Song song đó, địa phương cũng tổ chức so sánh, chọn lọc giống khoai môn tốt nhất, có phẩm chất đặc trưng của khoai trong vùng trước đây. Sắp tới, huyện sẽ tổ chức xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm khoai môn và kiệu để mở rộng thị trường tiêu thụ.
Theo Báo Đồng Tháp
s
.