Chỉ còn nửa tháng nữa là hết năm 2015, điều khá đặc biệt của năm nay là khi các doanh nghiệp (DN) đón năm mới thì cũng là thời điểm đón nhận sự thành lập và hiệu lực tức thời của Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC). Với sự chuẩn bị chưa cao của các DN nhỏ và vừa trong nước như hiện nay, các chuyên gia kinh tế nhận định có thể khối DN này sẽ gặp khó kể từ năm 2016 trở đi.

 

Thách thức lớn nhất đối với Việt Nam là từ nay đến năm 2018 phải loại bỏ nốt thuế quan đối với 7% dòng thuế linh hoạt đối với các ngành hàng như: ô tô, thuốc lá, hóa dầu, vật liệu xây dựng... Đây là những mặt hàng Việt Nam có năng lực cạnh tranh thấp, cần duy trì mức thuế bảo hộ để DN sản xuất trong nước nâng dần sức cạnh tranh.

 

Trong khi đó, cách đây 5 năm, 6 nước thành viên cũ của ASEAN đã hoàn thành việc loại bỏ thuế quan và Việt Nam đã thâm nhập thị trường các nước này với thuế suất bằng 0%, trong khi hiện Việt Nam mới loại bỏ khoảng 70% hạn ngạch thuế quan; 20% thuế quan đang ở mức 0%-5%.

 

Ông Trần Ngọc Liêm, Phó giám đốc Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), chi nhánh TP.Hồ Chí Minh, đánh giá DN Việt Nam có khoảng cách so với Singapore, Malaysia, Thái Lan, Indonesia. Nhóm DN nhỏ và vừa trong nước khi sản xuất chủ yếu tập trung vào thị trường nội địa, ít quan tâm đến thị trường nước ngoài do thiếu năng lực tài chính và thông tin thị trường. Đây cũng là điểm bất lợi khi tham gia AEC.

 

Theo các chuyên gia kinh tế, bước vào sân chơi chung này, nhóm DN hàng Việt Nam chất lượng cao mới tự tin cạnh tranh ở thị trường nội địa và có thể vươn ra thị trường các nước xung quanh. Theo ông Nguyễn Tiến Chương, Chủ tịch Hội Xuất nhập khẩu Đồng Nai, AEC có hiệu lực sẽ khó cho ngành hàng sản xuất tiêu dùng trong nước, cán cân thương mại có thể bị nghiêng sang nhập siêu. Điều này sẽ làm dịch chuyển dần nguồn hàng tiêu dùng nhập từ nội khối ASEAN, thay vì từ thị trường Trung Quốc hay Đài Loan như hiện nay.

 

Theo Báo Đồng Nai

.