Đó là thông tin được ông Đoàn Xuân Tiên, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước đưa ra tại Hội nghị tổng kết hoạt động kiểm toán năm 2017 và triển khai nhiệm vụ công tác năm 2018, được tổ chức ngày 15/1. Theo đó, năm 2017, KTNN đã thực hiện 257 cuộc kiểm toán tập trung vào kiểm toán các lĩnh vực mới, nhạy cảm, dễ xảy ra tham nhũng, lãng phí. Trong kế hoạch kiểm toán năm 2018, ngoài các đầu mối, đơn vị được kiểm toán toán, KTNN còn xác định chi tiết danh mục cụ thể các đơn vị, đầu mối, dự án được kiểm toán, nhằm hạn chế sự chồng chéo, trùng lắp với các cơ quan thanh, kiểm tra…

 Kiến nghị tăng thêm vốn nhà nước hơn 8.000 tỷ đồng

  Năm qua, bên cạnh 257 cuộc kiểm toán theo kế hoạch, KTNN đã thực hiện xét duyệt 273/282 báo cáo kiểm toán, phát hành 193/282 báo cáo kiểm toán. Tổng hợp kết quả xử lý tài chính đến ngày 4/1 của 273 báo cáo kiểm toán là 43.660 tỷ đồng, trong đó tăng thu, giảm chi ngân sách Nhà nước 32.609 tỷ đồng. Cơ quan này cũng đã kiến nghị xử lý khác 11.051 tỷ đồng, tăng 12,5% so với năm 2016 (38.776 tỷ đồng).

 Ngoài ra, KTNN đã kiến nghị sửa đổi, hủy bỏ 96 văn bản pháp luật. Trong đó, có nhiều kiến nghị quan trọng, nhằm chấn chỉnh những thiếu sót, bất cập trong việc quản lý, sử dụng đất đai, khu đô thị; làm rõ những bất cập của cơ chế quản lý thực hiện các dự án BT, BOT, việc đầu tư không hiệu quả tại các tập đoàn, tổng công ty…

  Đáng chú ý, theo Phó Tổng KTNN, trong công tác quản lý biên chế công chức, viên chức, người lao động, KTNN đã phát hiện thừa 57.175 người trong biên chế. Đơn vị đã có kiến nghị siết chặt công tác quản lý biên chế công chức, viên chức của các cơ quan. Qua công tác kiểm toán xác định lại giá trị doanh nghiệp Nhà nước trước khi cổ phần hóa tại 6 doanh nghiệp, KTNN đã phát hiện, kiến nghị tăng thêm vốn nhà nước là 8.688 tỷ đồng, xác định các khoản phải nộp ngân sách Nhà nước tăng thêm 504,5 tỷ đồng.

Chuyển cơ quan điều tra 4 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật

  Trong năm 2017, Kiểm toán Nhà nước cũng đã kiến nghị chuyển cơ quan điều tra để xử lý theo quy định của pháp luật đối với 2 vụ việc và đang chỉ đạo củng cố hồ sơ chuyển cơ quan điều tra 4 vụ việc khác có dấu hiệu vi phạm pháp luật.  KTNN cũng cung cấp 12 hồ sơ, tài liệu để phục vụ công tác giám sát, kiểm tra và tố tụng… Đến ngày 4/1, các đơn vị được kiểm toán đã thực hiện 29.915 tỷ đồng trên tổng số hơn 38.435 tỷ đồng, đạt 77,8% tổng số kiến nghị xử lý tài chính đủ bằng chứng, tăng hơn so với mức 74,1% của năm 2016.

KTNN cũng thừa nhận chưa có đủ nhân lực để thực hiện kiểm toán thường niên đối với tất cả các đơn vị dự toán cấp I và cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Việc phát hiện kiểm toán mới chỉ dừng lại ở mức độ phòng ngừa, ngăn chặn hành vi tham nhũng.

leftcenterrightdel
 Năm 2018, Kiểm toán Nhà nước có kế hoạch kiểm toán 33 tập đoàn, tổng công ty; trong đó có Tập đoàn điện lực Việt Nam

 Trong năm 2018, nhiệm vụ trọng tâm của KTNN là tổ chức thực hiện 205 cuộc kiểm toán, đổi mới toàn diện hoạt động kiểm toán nhằm nâng cao năng lực, chất lượng, hiệu lực hiệu quả hoạt động kiểm toán.  Đồng thời tập trung kiểm toán ngân sách năm 2017 của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các bộ, cơ quan trung ương có quy mô lớn… Trước đó, hồi tháng 12/2017, phía Kiểm toán Nhà nước cũng đã công bố kế hoạch kiểm toán năm 2018, trong đó danh sách kiểm toán báo cáo tài chính, các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn tài sản Nhà nước có nhắc tới 33 tập đoàn, tổng công ty, trong đó gồm: Tổng công ty Sông Đà, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng công ty Thép Việt Nam, Tổng công ty Viễn thông Mobifone, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam,… Kế hoạch của ngành kiểm toán cũng nhắc tới một số ngân hàng là: Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank), Ngân hàng thương mại cổ phần xăng dầu Petrolimex (PGBank).

PV