Hiệp hội Thép Việt Nam đánh giá, biện pháp đánh thuế của Bộ Thương mại Mỹ trình lên Tổng thống Donald Trump sẽ tác động xấu đến hoạt động sản xuất và xuất khẩu của các doanh nghiệp thép Việt Nam, thậm chí có thể làm ngành thép Việt Nam mất toàn bộ thị trường Mỹ.
|
|
Công ty cổ phần Thép Bắc Việt tại Khu công nghiệp Quế Võ (Bắc Ninh) chuyên sản xuất ống thép, khung nhà thép tiền chế các loại. Ảnh: Trần Việt/TTXVN |
Trao đổi với phóng viên báo Tin tức chiều 6/3, ông Nguyễn Văn Sưa, Phó Chủ tịch Hiệp hội cho biết, kim ngạch xuất khẩu thép của Việt Nam vào thị trường Mỹ đạt khoảng 500.000 tấn trên tổng số 40 triệu tấn thép nhập khẩu (chiếm tỷ lệ khoảng 1,25%). Nếu chịu thuế cao hơn nữa thì thép Việt Nam sẽ khó vào thị trường này.
"Vốn dĩ thị trường Mỹ đã là thị trường khó tính với rất nhiều rào cản kĩ thuật. Việc áp thêm thuế với thép nhập khẩu sẽ gây khó cho các nước xuất khẩu vào thị trường này, trong đó có Việt Nam", ông Sưa phân tích.
Tuy nhiên, chuyên gia này cũng nhìn nhận, nếu Mỹ áp dụng biện pháp thuế quan này, đó sẽ là con dao hai lưỡi: Một mặt có thể giúp bảo vệ sản xuất trong nước, doanh nghiệp nhôm, thép của Mỹ bớt khó khăn; nhưng mặt khác sẽ dẫn đến nguy cơ tăng giá thép, ảnh hưởng không nhỏ đến các ngành xây dựng và người lao động ở các ngành nghề khác có sử dụng đến nhôm, thép.
Theo lý giải của Bộ Thương mại Mỹ, việc áp thuế là vì "an ninh quốc gia". Mỹ muốn đẩy mạnh ngành công nghiệp khai khoáng, không quá phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập từ bên ngoài. Đây là biện pháp nhằm bảo hộ ngành sản xuất trong nước, đáp ứng mong muốn tạo thêm nhiều việc làm như ông Trump đã hứa khi tranh cử. Đó cũng là biện pháp mà chính quyền ông Donald Trump muốn gây sức ép lên các đối tác thương mại vốn đang có đàm phán hoặc căng thẳng với Mỹ.
Năm 2017, Mỹ nhập khẩu thép từ hơn 100 quốc gia. Trong đó 3/4 số thép đến từ 8 nước là Canada, Brazil, Hàn Quốc, Mexico, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Nhật và Đức.
Trung Quốc không nằm trong danh sách 8 nước này nhưng lại là quốc gia sản xuất thép lớn nhất thế giới. Phía Mỹ cho rằng, thép của Trung Quốc đã qua nước thứ 3 trước khi tới Mỹ. Trước kia, Mỹ áp thuế nhập thép ở từng nước nhưng với đề xuất mới, tất cả thép các nước có thể chịu thuế 25%, nhôm 10% khi tới đất Mỹ.
Đại diện Công ty Thép Miền Nam cho biết đang có ý định xuất khẩu thép vào thị trường Mỹ, nhưng với việc áp thuế như vậy sẽ vô cùng khó khăn.
“Chúng tôi đã kiến nghị Chính phủ và Bộ Công Thương xem xét có biện pháp kịp thời ngay trong nửa đầu tháng 3/2018 trước khi có quyết định chính thức từ phía Mỹ”, ông Nguyễn Văn Sưa cho hay.
Cục Phòng vệ thương mại - Bộ Công Thương cho biết đã theo dõi sát vụ việc ngay từ giai đoạn bắt đầu, phối hợp chặt chẽ với Hiệp hội Thép Việt Nam, các doanh nghiệp và các đơn vị liên quan trong và ngoài nước để trao đổi, chia sẻ thông tin và ứng phó với vụ việc.
Với việc thép và nhôm nhập khẩu từ Việt Nam chỉ chiếm một tỷ trọng không đáng kể trong tổng nhập khẩu thép và nhôm của Mỹ, Bộ Công Thương đã đề nghị Chính phủ Mỹ cân nhắc kỹ lưỡng việc áp dụng các biện pháp hạn chế nhập khẩu từ Việt Nam, đảm bảo tuân thủ các quy định của WTO và thông lệ quốc tế, không làm ảnh hưởng đến quan hệ thương mại đang phát triển tốt đẹp giữa hai nước.
Theo kế hoạch, trước ngày 11/4/2018, Mỹ sẽ ra quyết định cuối cùng và thời hạn cho các nước hành động là khoảng một tháng nữa.
Được biết, nhiều nước trên thế giới đã phản đối chính sách áp thuế mới của Mỹ với thép và nhôm nhập khẩu. Một số nước đã khẳng định sẽ có chính sách "trả đũa" những mặt hàng tinh hoa của Mỹ như là rượu ngô Kentucky, quần bò Levi's và xe máy Harley-Davidson.
Hoàng Dương/Báo Tin tức