(BVPL) - Sáng nay, nhiều chợ ở Hà Nội, TP HCM đã rậm rịch mở bán hàng. Giá rau xanh, tôm, thịt, cá tiếp tục tăng chóng mặt, dù sức mua yếu.

 
 
Bên cạnh các chợ dân sinh, nhiều cửa hàng bún ốc, phở… tại khu vực Kim Liên, Tôn Đức Thắng, Nguyễn Lương Bằng cũng rậm rịch mở hàng từ chiều mùng 2 Tết. Giá mỗi bát bún dao động khoảng 50.000-70.000 đồng tùy khu vực, đắt gấp đôi, ba lần ngày thường.
 
Giá cả tăng, nhiều chợ, hàng quán ăn khá vắng khách do kỳ nghỉ Tết dài, nhiều gia đình đã về quê ăn Tết, số khác đã mua đủ đồ ăn dự trữ trong những ngày Tết nên chợ ngày đầu xuân vắng khách.
 
Tại TP HCM, bình thường gà mái ta khoảng 120.000 đồng một kg, sáng nay lên 130.000 đồng và chỉ còn những con khoảng một kg. Các sạp gần như không còn gà trống để bán. "Gà cúng mùng 3 phải no tròn, chắc nịch, cặp chân đẹp mới mang lại sung túc cho cả năm, nhưng chưa đến 10h30 đã hết sạch gà đẹp", chị nói.
 
Ngoài gà, nhiều loại thực phẩm, thủy hải sản ở TP HCM cũng tăng nhẹ trong sáng nay. Sò huyết ở chợ Nguyễn Tri Phương, quận 10 lên 90.000 đồng một kg, đắt gấp rưỡi ngày thường, nghêu chào giá 40.000 đồng, trong khi bình thường chỉ 25.000 đồng mỗi kg.
 
Chỉ vào mớ rau gồm bó cải, mồng tơi, rau sống, vài quả dưa leo, chị Hà, quận 3 cho biết đã phải chi mất hơn 100.000 đồng. "Mua sắm mấy ngày Tết đắt quá, người bán nói một là một, chứ không trả giá được", chị kể. Tương tự, bình thường, giá sống chưa tới 10.000 đồng một kg, nhưng hôm nay cũng ngần ấy tiền chỉ mua được khoảng 4 gram. Bún tươi đắt thêm 2.000 đồng, lên 12.000 đồng mỗi kg.
 
Tại Tây Ninh, gà trống thả vườn 140.000 đồng một kg, trong khi ngày 29 Tết là 130.000, gà mái sáng nay cũng đắt thêm 10.000 đồng, lên 130.000 đồng. Với những con gà thả vườn được làm sẵn có giá 160.000 đồng một kg (đã tính tiền giết mổ, làm sạch gà). Tuy giá tăng nhưng tại 5 sạp bán gà ở chợ phường 3, thị xã Tây Ninh, khách phải chen nhau chọn lựa. Lượng đặt hàng nhiều nên người bán làm không xuể, trung bình khoảng 20 phút mới làm sạch, bắt chéo một con gà cúng Tết, trong khi ngày thường chỉ mất khoảng 7 phút.
 
Riêng rau củ quả có loại tăng, loại giảm. Dưa leo vẫn đứng mức cao như sát Tết, 20.000 đồng một kg, cà chua 12.000-14.000 đồng, rau sống trên 20.000 đồng. Xà lách Đà Lạt trở lại giá ngày thường. Hiện chỉ vài sạp rau củ bán hàng trong ngày mùng 3 và đa phần chỉ bán tới trưa.
 
Tại Kon Tum, nhiều tiểu thương cho biết giá rau giá giảm so với dịp cuối năm.. Cà rốt giảm 5.000 đồng một kg. Cà chua tuần trước 10.000 đồng nay còn 5.000 đồng một kg. Riêng giá rau sống vẫn đứng yên ở mức 10.000 đồng một kg, súp lơ 25.000 đồng một kg, bắp cải 10.000 đồng.
 
Giá thịt gà sống vẫn đứng yên ở mức giá Tết 90.000 đồng một kg, thịt bò 280.000 đồng một kg.
 
Ở nhóm hàng thủy hải sản, hầu hết giá các loại lên 10-30% so với cuối năm. Cá lóc từ 65.000 đồng lên 90.000 đồng một kg. Cá chép đắt thêm 20.000 đồng, bán 80.000 đồng một kg. Cá trắm 60.000 đồng lên 80.000 đồng một kg. Tôm thẻ bạc cận Tết 135.000 đồng một kg tăng lên 150.000 đồng môt kg.
 
Các tiểu thương ở đây cho biết, nhóm thủy hải sản tăng giá là do nhu cầu mua các mặt hàng thủy hải sản tăng cao, nhất là hàng quán bán Tết, trong khi nguồn cung ở các mặt hàng này thiếu hụt.
 
“Nguồn hàng ở Quy Nhơn lên Kon Tum ngưng hoạt động trong dịp Tết nên nguồn cung ít đi khiến thủy hải sản tăng mạnh”, anh Nam tiểu thương tại chợ Đăk Hà cho biết.
 
Theo báo cáo nhanh của Cục quản lý giá, Bộ Tài chính, ngày mùng 2 Tết, giá thịt lợn và thịt bò tại một số điểm bán hàng tại chợ dân sinh tăng cao, có nơi tăng gần gấp đôi so với ngày 29 Tết, lên mức 250.000-300.000 đồng mỗi kg thịt lợn thăn; 450.000-500.000 đồng mỗi kg thịt bò thăn. Lượng người bán ít (chỉ có từ 1 đến 2 quầy hàng bán tại chợ). Giá rau xanh cơ bản ổn định như những ngày trong Tết, một số loại như cà rốt, hoa lơ tăng khoảng 3.000-5.000 đồng mỗi kg; cà chua tăng 10.000-13.000 đồng mỗi kg… Tuy nhiên, do lượng người mua cũng rất ít nên không xảy ra sốt giá.
 
Bộ Tài chính yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chức năng triển khai thực hiện các biện pháp bình ổn giá trong dịp Tết; không để thiếu hàng, sốt giá.
 
Theo khảo sát của VnExpress đối với hơn 11.700 độc giả về việc chi tiêu trong dịp Tết Quý Tỵ, 44,2% cho rằng Tết này chi tiêu tiết kiệm hơn năm ngoái; 35,8% khẳng định không có tiền để tiêu; 10,1% chi tiêu bằng năm ngoái và chỉ có 10% rộng tay chi tiêu hơn năm ngoái.
 
Theo VnExpress.net