leftcenterrightdel
 Khi triển khai chương trình, mức độ tuân thủ của doanh nghiệp thành viên tham gia chương trình cũng được cải thiện.

Nhiều lợi ích cho doanh nghiệp

Với mục tiêu tạo thuận lợi thương mại, giảm chi phí cho doanh nghiệp, giảm tỉ lệ kiểm tra thực tế hàng hóa xuất nhập khẩu, khắc phục khó khăn, vướng mắc trong thực hiện thủ tục hải quan, thiết lập quan hệ đối tác tin cậy giữa cơ quan Hải quan và doanh nghiệp, ngày 15/7/2022, Tổng cục Hải quan đã ban hành Quyết định số 1399/QĐ-TCHQ về việc triển khai thực hiện Chương trình thí điểm hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan.

Theo đó, doanh nghiệp khi tham gia chương trình sẽ được hỗ trợ nâng cao mức độ tuân thủ, từ đó giảm tỉ lệ kiểm tra đối với hàng hóa xuất nhập khẩu; được hưởng các ưu đãi về thủ tục trong quá trình tự nguyện tuân thủ pháp luật.

Đồng thời, được cấp chứng nhận là thành viên Chương trình tự nguyện tuân thủ, giúp doanh nghiệp nâng cao thương hiệu, uy tín và là tiền đề để doanh nghiệp được hưởng các ưu đãi trong trong hoạt động kinh doanh, xuất nhập khẩu trong nước và trên thị trường quốc tế.   

Doanh nghiệp cũng được ưu tiên hỗ trợ và được cơ quan Hải quan cử công chức có trình độ năng lực, bảo đảm tạo thuận lợi tối đa để giải quyết khi doanh nghiệp thực hiện thủ tục xuất nhập khẩu tại cửa khẩu, cảng trên phạm vi toàn quốc.

Cùng với đó, còn được hải quan ghi nhận tư cách thành viên trên hồ sơ doanh nghiệp và các hệ thống thông tin nghiệp vụ của cơ quan Hải quan để bảo đảm được hưởng các biện pháp hỗ trợ, tạo thuận lợi trong quá trình hoạt động xuất nhập khẩu.

Ngoài ra, doanh nghiệp tham gia Chương trình còn được ưu tiên, tạo điều kiện thuận lợi trong kiểm tra bằng máy soi khi doanh nghiệp đề nghị hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, giảm chi phí đối với việc thực hiện thủ tục xuất nhập khẩu, quá cảnh hàng hóa của doanh nghiệp.

Thời gian đầu triển khai, ngành Hải quan lựa chọn tại 7 Cục Hải quan gồm: Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh, Quảng Ninh, TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương và Đồng Nai nhằm đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất sau đại dịch, sau đó sẽ triển khai mở rộng đến tất cả các đối tượng doanh nghiệp.

Kết quả, trong giai đoạn 1 (năm 2022), cơ quan Hải quan đã thực hiện ký kết biên bản ghi nhớ và cùng xây dựng kế hoạch hành động tự nguyện tuân thủ đối với 213 doanh nghiệp. Đến nay, chương trình đã được lan tỏa rộng khắp cả nước, với 35/35 cục Hải quan tỉnh, thành phố đã triển khai Chương trình thí điểm hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan.

Ngành Hải quan đặt mục tiêu sau 2 năm triển khai có 100% doanh nghiệp tham gia chương trình không bị xử lý về các hành vi vi phạm pháp luật hải quan, được đánh giá mức độ tuân thủ pháp luật ở mức 2 (tuân thủ cao), mức 3 (tuân thủ trung bình).

Sau 5 năm thực hiện chương trình, thông qua các hoạt động hỗ trợ và việc tự nguyện tuân thủ của doanh nghiệp, phấn đấu tăng tỉ lệ doanh nghiệp tuân thủ mức 2, mức 3 đạt trên 20% tổng số doanh nghiệp hoạt động xuất nhập khẩu.

Sau thời gian triển khai, chương trình nhận được nhiều phản hồi tích cực từ cộng đồng doanh nghiệp khi các doanh nghiệp được hưởng các lợi ích thiết thực trong việc được giảm tỉ lệ kiểm tra, hỗ trợ làm thủ tục hải quan thuận lợi, chủ động phòng tránh các vi phạm trong quá trình hoạt động xuất nhập khẩu. Thủ tục tham gia chương trình đơn giản, hạn chế tối đa các thủ tục hành chính, giấy tờ phiền hà cho doanh nghiệp khi tham gia.

Việc tham gia chương trình đưa quan hệ đối tác giữa cơ quan Hải quan và doanh nghiệp trở thành đối tác tin cậy, các doanh nghiệp không ngừng lan tỏa những lợi ích của chương trình đến với các đối tác, doanh nghiệp xuất nhập khẩu khác.

Số doanh nghiệp chấp hành pháp luật tăng

Tổng cục Hải quan cho biết năm 2023, với việc nỗ lực triển khai Chương trình hỗ trợ khuyến khích doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan trong giai đoạn 2, chương trình ghi nhận mức tăng 36% số lượng doanh nghiệp thành viên so với năm 2022, vượt 16% chỉ tiêu đề ra theo Quyết định số 123/QĐ-TCHQ ngày 31/01/2023.

Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Thọ, mức độ tuân thủ của doanh nghiệp thành viên tham gia chương trình cũng được cải thiện. Số doanh nghiệp gian lận thương mại, có yếu tố buôn lậu giảm, số doanh nghiệp chấp hành pháp luật tăng lên. 

Cụ thể, có 102 doanh nghiệp chiếm 35% trên tổng số doanh nghiệp tham gia được nâng mức độ tuân thủ, 141 doanh nghiệp chiếm 48% trên tổng số doanh nghiệp tham gia duy trì mức độ tuân thủ, tuân thủ cao.

Đến tháng 10/2023, chương trình đã cấp 207 giấy chứng nhận cho doanh nghiệp thành viên giúp doanh nghiệp nâng cao thương hiệu, uy tín và là tiền đề để doanh nghiệp được hưởng các ưu đãi trong trong hoạt động kinh doanh, xuất nhập khẩu trong nước và trên thị trường quốc tế.

Ngoài ra, cơ quan Hải quan cũng thực hiện hỗ trợ 228 vướng mắc của doanh nghiệp thành viên, giải quyết 100% các đề nghị hỗ trợ vướng mắc của các doanh nghiệp thành viên chương trình.

Đáng nói, các doanh nghiệp có sự cải thiện mức độ tuân thủ, do vậy, tỉ lệ kiểm tra hàng hóa giảm rõ rệt, tỉ lệ luồng xanh tăng, tỉ lệ luồng vàng, đỏ giảm. Điều này giúp cho doanh nghiệp tiết kiệm kinh phí và giảm thời gian thông quan.

Ghi nhận tại Cục Hải quan Bình Dương, sau thời gian triển khai giai đoạn 1 năm 2022, đến nay đơn vị đã ký kết với 23 doanh nghiệp trên địa bàn đăng ký tham gia chương trình tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan, đã có 6 doanh nghiệp được thăng hạng về mức độ tuân thủ.

Song song với công tác tuyên truyền, khuyến khích doanh nghiệp tham gia chương trình, chấp hành chính sách, pháp luật, Cục Hải quan Bình Dương cũng hỗ trợ doanh nghiệp thông qua rất nhiều kênh liên lạc khác nhau như: tạo diễn đàn hải quan và doanh nghiệp trên địa bàn với từng chi cục hải quan qua ứng dụng Zalo, kịp thời nắm bắt những khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao mức độ tuân thủ.

Trong năm 2024, Cục Hải quan Bình Dương sẽ tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp đã ký kết biên bản ghi nhớ, hạn chế các sai sót do chưa cập nhật đầy đủ quy định của pháp luật; tăng cường mở rộng hợp tác, khuyến khích cácdoanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp FDI, các doanh nghiệp có ngành nghề trọng điểm, doanh nghiệp vừa và nhỏ tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan.

Còn tại Cục Hải quan TP Đà Nẵng, nhằm tạo động lực khuyến khích, thu hút doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển hoạt động xuất nhập khẩu trên địa bàn TP Đà Nẵng, ngày 3/4/2024, Cục Hải quan TP Đà Nẵng ban hành Quyết định số 229/QĐ-HQĐNg về Chương trình thí điểm hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa trên địa bàn thành phố. Chương trình được Cục áp dụng trong quá trình tổ chức thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao theo quy định của pháp luật trên địa bàn TP Đà Nẵng và thực hiện thí điểm trong thời hạn 1 năm kể từ ngày ban hành…

Nguyễn Anh