Thời gian qua, mặc dù các chiêu lừa liên quan đến sim, thẻ điện thoại đã được cảnh báo khá nhiều, song vẫn có không ít người “sập bẫy”. Nguyên nhân do tâm lý “cả tin, ham rẻ”…
 


Thủ đoạn tinh vi

Tại một điểm bán sim điện thoại trên đường Xuân Thủy, quận Cầu Giấy, thấy tôi hỏi mua sim, người bán hàng nhanh nhảu giới thiệu: “Muốn số nào cũng có, hiện có loại sim chỉ trả tiền 1 lần nhưng nghe gọi… thoải mái. Chỉ cần bỏ ra 100.000 đồng là có chiếc sim siêu tiết kiệm này”. Thực chất, đây là loại sim bán cho học sinh, sinh viên, tuy giá được ưu đãi nhưng không hề có giá trị sử dụng vĩnh viễn. Sau khi dùng hết tiền trong tài khoản, nếu khách hàng không nạp thêm, chiếc sim này sẽ bị khóa…

Bạn Lê Trung Kiên – sinh viên ĐH Hà Nội – một nạn nhân của thẻ điện thoại giả chia sẻ, tháng trước, Kiên đã mua 3 chiếc thẻ điện thoại mệnh giá 100.000 đồng/thẻ của người bán hàng rong với giá chỉ 150.000 đồng cho cả 3 chiếc. Tuy vậy, khi nạp tiền vào điện thoại, tài khoản báo chỉ được cộng thêm 20.000 đồng – bằng 1/5 mệnh giá ghi trên thẻ.

Cách đây không lâu, Đường dây nóng Báo An ninh Thủ đô cũng nhận được phản ánh của chị Vũ Thu Trang (ở xã Mễ Trì, huyện Từ Liêm) về hành vi lừa đảo nạp tiền điện thoại mới núp dưới hình thức thông báo trúng thưởng. Người gọi điện tự xưng là nhân viên của một ngân hàng báo tin chồng chị Trang đã trúng thưởng khi tham gia chương trình khuyến mại do ngân hàng này tổ chức với giải thưởng lên tới 100 triệu đồng. Song, để được nhận quà, chị Trang phải gửi mã số của 5 thẻ điện thoại, mỗi thẻ trị giá 100.000 đồng vào số điện thoại đang gọi đến. Sinh nghi, chị Trang đã hỏi đối tượng này về một số thông tin cá nhân của chồng mình và chương trình khuyến mại thì đối tượng đó nhanh chóng… cúp máy.  

Liên quan đến thẻ điện thoại giả, ngày 18-1 vừa qua, Chi cục Hải quan cửa khẩu Móng Cái (Cục Hải quan tỉnh Quảng Ninh) đã phát hiện và bắt giữ một lô hàng gồm 24.900 thẻ cào MobiFone (loại mệnh giá 100.000 đồng) được vận chuyển trái phép từ Trung Quốc vào Việt Nam. Sau khi kiểm tra, MobiFone đã khẳng định số thẻ bị bắt giữ đều là thẻ giả, không có khả năng nạp tiền vào tài khoản cho các thuê bao MobiFone. Đồng thời, MobiFone đã có văn bản thông báo tới các chi nhánh, đại lý và điểm bán lẻ cảnh báo về loại thẻ cào giả này.

Thận trọng kẻo “sập bẫy”

Theo đại diện của MobiFone, mỗi thẻ cào thông thường do MobiFone phát hành có series và 12 mã số được phủ bạc kín, 12 mã số này chỉ có giá trị cho 1 lần nạp tiền nên không thể làm giả. Tuy vậy, để tránh rủi ro, khách hàng nên mua thẻ cào tại những cửa hàng, đại lý chính thức của MobiFone và nên thực hiện nạp tiền ngay tại nơi mua để đảm bảo chắc chắn tiền được nạp vào tài khoản.  Khi phát hiện thẻ cào giả, khách hàng cần gọi điện đến tổng đài để được hướng dẫn cách xử lý.

Về vấn đề trên, kỹ sư Hà Anh – Học viện Bưu chính viễn thông cho biết, thủ đoạn của bọn lừa đảo là mua thẻ mệnh giá thấp (10.000-20.000 đồng…), sau đó dùng mã số kích hoạt trên lớp tráng bạc của chiếc thẻ đó in đè lên thẻ có mệnh giá cao đã qua sử dụng (100.000 đồng, 200.000 đồng …), rồi phủ lớp nhũ lên những chiếc thẻ cào này. Sau khi cào lớp tráng bạc, người dùng sẽ có mã số kích hoạt (giá trị 20.000 đồng), còn dãy số phía dưới là dãy số đã được kích hoạt, không có giá trị nạp tiền. Không chỉ có khách hàng mà ngay cả các chủ đại lý nếu không tinh ý sẽ rất dễ mua nhầm thẻ điện thoại giả. Trên thực tế đã xảy ra tình trạng một số đối tượng mang thẻ điện thoại đến bán cho các đại lý với giá thấp. Lợi dụng lúc họ sơ ý, các đối tượng này nhanh tay tráo thẻ giả lấy thẻ thật. Do vậy, khi mua thẻ khách hàng cần kiểm tra kỹ lớp tráng bạc phủ trên dãy số nạp tiền. Nếu lớp nhũ bạc này bám quá chắc hoặc lớp mực in nhòe thì khả năng thẻ bị làm giả là khá cao. Bên cạnh đó, sự cạnh tranh thiếu lành mạnh của một số đại bán thẻ cũng tạo cơ hội cho thẻ điện thoại giả tung hoành.

Ngoài ra, để tránh mua phải thẻ nạp tiền điện thoại giả, trước khi thanh toán, người tiêu dùng cần chọn thẻ được in màu đẹp, rõ nét, ghi rõ tên nhà cung cấp, mệnh giá, cách nạp tiền, số series thẻ và lớp tráng bạc che mã series nạp tiền. Hơn nữa, do tình trạng lừa nạp thẻ thông qua hình thức trúng thưởng vẫn đang được các đối tượng lừa đảo sử dụng với thủ đoạn ngày càng tinh vi nên người tiêu dùng cũng cần cảnh giác với các thông báo trúng thưởng, thông báo kịp thời với các cơ quan chức năng khi phát hiện hành vi tàng trữ, lưu hành, mua bán thẻ điện thoại giả…
 

Theo ANTĐ