Theo đại diện Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, hiện nay, xu hướng bán hàng trên mạng đang trở nên phổ biến. Tuy nhiên, sự thiếu chủ động và chuyên nghiệp của nhà bán lẻ đang đẩy mô hình này trở nên “ế ẩm”.

 


Một thực tế cũng được ông Alan David Treadgold đưa ra, doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam đang khá yếu về công nghệ. “Xu hướng sắp tới là khách hàng sẽ mua sắm online và thương mại điện tử nhiều hơn mua sắm truyền thống. Vì vậy, hơn lúc nào hết, các doanh nghiệp trong nước cần phải chuẩn bị về mặt công nghệ, nhân lực, rà soát lại toàn bộ hoạt động kinh doanh, tiết giảm chi phí... để cạnh tranh tốt với doanh nghiệp nước ngoài”, ông Alan David Treadgold chia sẻ.

Đồng quan điểm trên, bà Đặng Thúy Hà, Giám đốc khách hàng khu vực Miền Bắc thuộc công ty Nielsen Việt Nam, cho biết ngành bán lẻ trong kỷ nguyên mới sẽ phát triển theo xu hướng của kỷ nguyên số. Người tiêu dùng sử dụng công nghệ số nhiều hơn và ngày càng thông thái hơn.

“Trong tương lai, ngành bán lẻ cần có sự thay đổi, không nên vận động theo đường thẳng nữa (chỉ gồm khách hàng, cửa hàng và doanh thu), mà theo mô hình mạng lưới trong đó doanh thu được thu về từ nhiều nguồn, như mạng xã hội, cửa hàng, máy tính bảng, điện thoại di động… “, bà Hà chia sẻ.

… nhưng nhiều khách hàng vẫn chưa hào hứng

Mặc dù xu hướng bán hàng qua mạng đang trở nên phổ biến và được dự báo sẽ trở nên phổ biến trong tương lai. Tuy nhiên, sự thiếu chủ động và chuyên nghiệp của nhà bán lẻ lại đang đẩy mô hình này trở nên “ế ẩm”.

Chia sẻ về vấn đề này, bà Đinh Thị Mỹ Loan đã đưa ra nhiều lý do khiến website bán lẻ đang dần mất khách. Trong đó, giá cả đã được đặt lên hàng đầu. Cùng với đó, việc miêu tả hàng hoá thiếu những thông tin rõ ràng, đầy đủ về sản phẩm, kể cả chất liệu, nguồn gốc xuất xứ hàng hoá hay việc thiếu các chức năng phụ của website như danh mục những mặt hàng người dùng đã đặt mua, không có phần cần tìm, lọc sản phẩm... cũng khiến cách thức bán hàng qua mạng trở nên kém hấp dẫn.

Ngoài ra, còn có các nguyên nhân như không rõ ràng trong thông tin chuyển hàng; chất lượng hình ảnh sản phẩm quá kém; không rõ ràng về khuyến mại; Các đường liên kết (link) bị hỏng,  thiếu các trang về mục; Không có video/ảnh giới thiệu sản phẩm; Tốc độ tải hình ảnh, thông tin của trang chậm.

Liên quan đến vấn đề này, bà Đặng Thúy Hà, Giám đốc khách hàng khu vực Miền Bắc thuộc Nielsen Việt Nam cũng cho biết, ngành bán lẻ đang mở ra một kỷ nguyên mới. Xu hướng mua sắm trong thời kỳ kỷ nguyên số thiên về thương mại điện tử và công nghệ hiện đại. Mặc dù vậy, khá nhiều người tiêu dùng không tìm mua các sản phẩm trên mạng vì họ không tin tưởng và chất lượng các sản phẩm được chào bán trực tuyến, cũng như giá cả mà các trang website đưa ra.

Dẫn chứng về vấn đề này, bà Hà đã đưa ra con số khá cụ thể về những lý do người tiêu dùng không tìm mua sản phẩm bán trên mạng. Theo đó, có 14% không tin tưởng các sản phẩm bán trực tuyến; 25% cho rằng giá trên mạng cao hơn thực tế; 27% cho rằng chủng loại hàng hoá bán trực tuyến kém phóng phú; 56% cho rằng website của nhà bán lẻ khó sử dụng.

Đưa ra giải pháp cho những vấn đề trên, bà Hà chia sẻ, các nhà bán lẻ Việt Nam cần tập trung quản lý ngành hàng và quan tâm đến các hình thức dùng thẻ khách hàng thân thiết để bắt kịp với xu hướng phát triển kênh bán hàng hiện đại trong khu vực. Cùng với đó, các nhà bán lẻ cần phải thiết kế website theo hướng dễ sử dụng, thao tác nhanh chóng và tiện lợi.

Ngoài ra, các nhà bán lẻ Việt nam nên tập trung vào sản phẩm tốt có thể sử dụng để củng cố hình ảnh, thương hiệu và lòng trung thành của khách hàng. Đặc biệt, các chương trình khuyến mãi giúp nâng cao nhận biết của khách hàng...

Một giải pháp nữa cũng được Giám đốc khách hàng khu vực Miền Bắc thuộc Nielsen Việt Nam đưa ra đối với các doanh nghiệp bán lẻ, là thử nghiệm công nghệ nhận diện khách hàng. Theo đó, thiết bị này có thể nhận diện khách hàng tại điểm thanh toán và cho phép các người mua hàng thực hiện chi trả nhanh chóng và không cần bất kỳ các thao tác nào.


 Theo Infonet

.