Lào và Thái Lan được xem là hai điểm đến quan trọng trong chiến lược mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa của các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng. Hằng năm, thành phố tổ chức các đoàn tham gia hội chợ thương mại nhằm quảng bá sản phẩm cũng như tìm kiếm cơ hội kinh doanh cho doanh nghiệp địa phương.
|
Các sản phẩm giày dép, may mặc... của các doanh nghiệp Đà Nẵng đã xâm nhập thị trường Lào, Thái Lan. |
Thị trường đầy tiềm năng
Năm 2016, Công ty TNHH Giày BQ mở thêm hai chi nhánh phân phối tại Lào, qua gần 1 năm hoạt động đã mang lại những kết quả ban đầu. Ông Phan Hải, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Giày BQ cho biết, hai điểm thuận lợi nhất của thị trường Lào là văn hóa kinh doanh, tiêu dùng của người dân Lào khá tương đồng với Việt Nam. Bên cạnh đó, số lượng người Việt đang sinh sống, kinh doanh ở Lào khá đông, người Lào luôn ủng hộ doanh nghiệp Việt sang làm kinh tế; hơn nữa, sản phẩm giày dép của công ty phù hợp với thị hiếu của người dân nơi đây.
Cũng theo ông Hải, nếu chọn những mặt hàng mũi nhọn, Lào sẽ là thị trường đầy tiềm năng cho doanh nghiệp Đà Nẵng. Đặc biệt, từ thị trường này sẽ tạo bước đệm cho doanh nghiệp tiếp cận dễ dàng hơn thị trường vùng Đông Bắc Thái Lan.
Theo thống kê của Trung tâm Xúc tiến thương mại Đà Nẵng, hiện có khoảng 20 doanh nghiệp Đà Nẵng có quan hệ với thị trường Lào và Thái Lan. Mặt hàng xuất khẩu chính gồm: giày dép, cao su thành phẩm, lọc gió, lọc dầu, cần câu cá, thủ công mỹ nghệ (đồ mây, tre, lá…), dầu gió. Mặt hàng nhập khẩu chính là cao su nguyên liệu hoặc tổng hợp; nguyên phụ liệu dệt-may; hóa chất; hạt nhựa - hạt dẻo; tân dược và các nguyên phụ liệu khác.
Bà Lê Thị Diệu Anh, Giám đốc Công ty TNHH Thành Yên cho biết, đơn vị vừa tham gia chuyến đi xúc tiến thương mại tại Lào và Thái Lan do Trung tâm Xúc tiến thương mại thành phố tổ chức vào đầu tháng 7-2016. Đây là lần đầu tiên đơn vị tham gia nhằm giới thiệu và tìm đầu ra ở hai thị trường này đối với sản phẩm chủ lực của công ty là bánh sầu riêng Lai Phú.
Ít doanh nghiệp tham gia
Mặc dù Lào và Thái Lan là thị trường truyền thống, nhưng 20 doanh nghiệp có quan hệ kinh doanh tại đây vẫn là con số khiêm tốn. Lãnh đạo Trung tâm Xúc tiến thương mại thành phố cho biết, hằng năm, trung tâm tổ chức đoàn tham gia hội chợ thương mại ở một số tỉnh, thành phố tại Lào và Thái Lan, thông báo được đăng tải trên trang thông tin điện tử chính thức của trung tâm cũng như gửi về các hiệp hội, hội doanh nghiệp nhưng số đơn vị đăng ký không nhiều. Mới đây, trung tâm mời doanh nghiệp tham gia Hội chợ Thương mại Việt - Lào (tại Vientiane - Lào) từ ngày 7 đến 11-7 nhưng chỉ có 10 đơn vị đăng ký tham gia, có lúc trung tâm phải tự gom sản phẩm của các doanh nghiệp trên địa bàn để đưa sang quảng bá.
Ông Phan Hải cho rằng, sở dĩ thị trường Lào chưa thực sự thu hút doanh nghiệp Đà Nẵng bởi thủ tục theo đường chính ngạch còn khó, dân số Lào không lớn; bên cạnh đó, hàng hóa khó cạnh tranh với hàng Thái Lan và Trung Quốc về mẫu mã cũng như giá thành.
Để mời gọi doanh nghiệp, hằng năm, thành phố đều dành ngân sách cho hoạt động xúc tiến thương mại như tổ chức các đoàn doanh nghiệp tham gia hội trợ triển lãm, khảo sát thị trường tại Lào và Thái Lan; tổ chức các chương trình giao lưu nhằm tăng cường cơ hội giao thương...
Theo Khánh Hòa
(Báo Đà Nẵng)