Theo đó, Bộ Công Thương giao ông Trần Hùng, Phó Cục trưởng Cục QLTT làm trưởng đoàn kiểm tra, phối hợp cùng Vụ Pháp chế, Thanh tra Bộ, Chi cục QLTT TP.HCM cùng nhiều phòng, ban liên quan sẽ đi kiểm tra toàn bộ việc chấp hành pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thương mại, cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng đối với hệ thống Con Cưng ở văn phòng, nơi đăng ký kinh doanh cũng như các chi nhánh, cửa hàng, địa điểm kinh doanh.
|
|
Cửa hàng thuộc hệ thống siêu thị Con Cưng (Ảnh: CTV) |
Vụ việc bắt nguồn từ phát hiện sai phạm nhãn mác sản phẩm của ông Trương Đình Công Vĩnh, cư trú ở Phường 14, Quận Tân Bình, TP.HCM, đã mua 7 sản phẩm ở một cửa hàng thuộc hệ thống Con Cưng.
Ông Vĩnh nghi ngờ bộ quần áo màu hồng dành cho bé gái có mã sản phẩm CF G127011, trị giá 329.000 đồng bị lỗi do có dấu hiệu bị cắt tem và sửa chữa thay thế bằng tem nhãn CF (Con Cưng Fashion), ghi xuất xứ từ Thái Lan.
Sau vài ngày mở rộng kiểm tra gần 70 cửa hàng thuộc hệ thống Siêu thị Con Cưng, Chi Cục QLTT TP.HCM đã tạm thu giữ hàng ngàn sản phẩm với giá trị gần 500 triệu đồng có dấu hiệu vi phạm nhãn hàng hóa, nguồn gốc xuất xứ.
|
|
Lực lượng chức năng phát hiện hàng ngàn sản phẩm có dấu hiệu vi phạm về nguồn gốc xuất xứ (Ảnh: CTV) |
Cụ thể, lực lượng chức năng đã tạm thu giữ 5539 sản phẩm có dấu hiệu vi phạm nhãn hàng hóa, nguồn gốc xuất xứ. 224 sản phẩm quần áo trẻ em các loại hiệu CF, Concung.com, Laluna, Lebe’, Starter’s trên nhãn ghi xuất xứ: Made in Thailand, nhãn gốc hàng hóa bằng tiếng nước ngoài in trực tiếp lên sản phẩm (riêng hiệu Concung.com không có nhãn gốc hàng hóa) và nhãn phụ tiếng Việt Nam không đính kèm sản phẩm hàng hóa mà treo trên móc treo sản phẩm.
888 sản phẩm quần áo trẻ em các loại hiệu CF, concung.com, xuất xứ: Made in Vietnam, kèm nhãn giấy bao bì ghi thông tin “thành phần, SX tại Việt Nam, Công ty CP Con Cưng và địa chỉ không đúng quy định về đơn vị chịu trách nhiệm về hàng hóa. Trong đó, một phần hàng hóa trên sản phẩm không có thông tin về hàng hoá.
Thu giữ 130 sản phẩm mỹ phẩm các loại: sữa tắm – gội, sữa dưỡng da, nước hoa,… hiệu Jonhson’s và Jonhson’s baby do Thái Lan, Philipines, Malaysia sản xuất, có nhãn hàng hóa dán trên sản phẩm không thể hiện số lô, số công bố mỹ phẩm theo quy định.
Tại cửa hàng Con Cưng số 424 Nguyễn Thị Minh Khai (Q.3, TP.HCM), QLTT tạm giữ 1.600 đơn vị sản phẩm gồm quần áo các loại, cài tóc, mắt kính. Hàng hóa do nước ngoài sản xuất gồm 294 đơn vị sản phẩm là mỹ phẩm, 62 sản phẩm đồ chơi trẻ em, quần áo. Toàn bộ sản phẩm tạm giữ chưa xuất trình được hóa đơn chứng từ, chứng minh nguồn gốc hàng hóa, có dấu hiệu vi phạm về nhãn hàng hóa và nguồn gốc xuất xứ.
Cửa hàng Con Cưng (78 Tôn Thất Tùng, Q.1) có các dấu hiệu vi phạm ban đầu như không gắn tên địa điểm kinh doanh tại cơ sở kinh doanh; chưa xuất trình được xác nhận của Sở Công thương TP.HCM đã nhận được thông báo chương trình khuyến mãi của công ty CP Con Cưng đối với các khuyến mãi (về quần áo trẻ em) đang thực hiện tại địa điểm kinh doanh. Cơ sở này đang kinh doanh hơn 1.800 đơn vị sản phẩm quần áo, kính mát, đồ chơi, đồ dùng cho mẹ và bé các loại do Việt Nam và nước ngoài sản xuất, chưa xuất trình được hóa đơn chứng từ, có vi phạm về nhãn hàng hóa.
Trong những ngày tới, cơ quan chức năng sẽ tiếp tục rà soát các cửa hàng khác thuộc hệ thống siêu thị này. Hiện tại Con Cưng có tới 105 cửa hàng trên địa bàn TP.HCM.
Đình Quân – Nguyễn Lánh