Theo ông Võ Trí Thành - Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương, việc hội nhập sâu rộng thị trường được kỳ vọng sẽ có tác động tích cực đến nền kinh tế Việt Nam. Nhiều mặt hàng Việt Nam sẽ có khả năng mở rộng thị trường và gia tăng xuất khẩu do thuế suất giảm sâu như ngành dệt may…
Chia sẻ về những cơ hội khi Việt Nam mở rộng thị trường tại Hội nghị “Cộng đồng kinh tế Asean và các Hiệp định thương mại tự do: Cơ hội và thách thức cho doanh nghiệp Việt Nam”, ông Võ Trí Thành - Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương cho biết, việc hội nhập sâu rộng thị trường được kỳ vọng sẽ có tác động tích cực đến nền kinh tế Việt Nam.
Dẫn chứng về vấn đề này, ông Thành chia sẻ, việc Việt Nam tham gia vào TPP - Hiệp định thương mại tự do Thế kỷ 21 sẽ giúp xuất khẩu và GDP của Việt Nam tăng cao, với mức dự tính tương ứng là 68 tỷ USD và 36 tỷ USD vào năm 2025 (tương đương 28,4% và 10,5%).
Cũng theo ông Thành, Hiệp định TTP bao gồm nhiều đối tác quan trọng của Việt Nam như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Australia… , vốn là thị trường xuất khẩu lớn đối với nhiều mặt hàng của Việt Nam có lợi thế cạnh tranh như dệt may, da giày, đồ gỗ, nông sản. Đặc biệt, nhiều mặt hàng trong số này có khả năng mở rộng thị trường và gia tăng xuất khẩu do thuế suất giảm sâu. Điển hình như ngành dệt may, thị trường Hoa Kỳ hiện chiếm khoảng 1/2 tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam, với thuế suất trung bình 17,3% và cao nhất là 32%, sẽ giảm xuống 0%...
Ông Thành cũng cho biết thêm, dòng vốn từ nhiều nước thành viên TPP có trình độ phát triển cao có thể mang lại những lợi ích lan toả đáng kể, về công nghệ và kỹ năng quản lý. “Điều quan trọng nhất xét trong trung và dài hạn đó là, việc thực thi cam kết cùng cải cách sẽ tạo dựng môi trường đầu tư minh bạch và cạnh tranh, qua đó không chỉ hấp dẫn đầu tư, mà còn tạo nền tảng phân bổ các nguồn đầu tư hiệu quả, dù đó là vốn trong nước hay nước ngoài”, ông Thành chia sẻ.
Thách thức lớn nhất vẫn là năng lực cạnh tranh
Cũng liên quan đến việc mở cửa thị trường, ông Trịnh Minh Anh – Phó Chánh văn phòng Ban chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế và kinh tế cho biết, tính đến tháng 4/2015, tỷ lệ thực thi Cộng đồng kinh tế Asean (AEC) của Asean là 90,5% với những kết quả đáng ghi nhận về tự do hoá tương mại và tạo thuận lợi cho thương mại trong khu vực.
Theo đó, 99,2% số dòng thuế của các nước Asean-6 và 90,85% số dòng thuế của các nước CLMV (Campuchia, Lào, Myanmar, Việt Nam) đã được xoá bỏ thuế nhập khẩu. Đồng thời, các nước đã phê chuẩn để tiến hành thực thi Hiệp định Hải quan Asean mới, được ký kết năm 2012 nhằm thay thế cho Hiệp định ký năm 1997.… “Các kết quả này góp phần tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, thuận lợi cho các doanh nghiệp cũng như các nhà quản lý trong Asean”, ông Minh Anh chia sẻ.
Mặc dù vậy, trong bối cảnh chung của Asean và khu vực hiện nay, Việt Nam cũng đang đối mặt với một số thách thức trong việc thực hiện mục tiêu AEC.
Theo chia sẻ của ông Minh Anh, thách thức lớn nhất đối với Việt Nam vẫn là năng lực cạnh tranh hạn chế của nền kinh tế, với với một số thành viên có trình độ phát triển cao hơn trong Asean. Các hạ tầng về cơ sở hạ tầng bao gồm hạ tầng cứng như hệ thống giao thông, cảng biên, năng lượng… và hạ tầng mềm như thể chế, chính sách, bộ máy hành chính…, đã làm ảnh hưởng tới khả năng kết nối của Việt Nam với các nền kinh tế trong khu vực, cũng như làm giảm cơ hội tận dụng các thời cơ của thị trường chung Asean mang lại.
“Những thách thức cơ bản đối với Việt Nam trong thực thi các biện pháp xây dựng AEC, liên quan chủ yếu tới các lĩnh vực cắt giảm thuế quan, giải quyết các rào cản phi thuế quan hay thực thi các biện pháp thuận lợi hoá thương mại (cơ chế hải quan một cửa, tự chứng nhận xuất xứ hàng hoá…)”, ông Minh Anh nói.
Ông Minh Anh cũng chia sẻ thêm, do chênh lệch về trình độ phát triển, Việt Nam cùng Campuchia, Lào, Myanma được hưởng một số đãi ngộ từ Asean, để hỗ trợ cho việc thực thi AEC. Trong đó có việc ưu đãi về lộ trình mở cửa thị trường trong một số lĩnh vực dài hơn, so với 6 nước thành viên cũ của Asean.
Đưa ra dẫn chứng về vấn đề này, ông Minh Anh cho biết, Việt Nam được linh hoạt bảo lưu 7% số dòng thuế đến năm 2018 và không phải đàm pháp với các nước Asean khác. Điều này có nghĩa, từ 2018 trở đi, 7% số dòng thuế sẽ được cắt giảm xuống 0% (trừ mặt hàng xăng dầu có lộ trình riêng). Trong đó, những mặt hàng chịu tác động từ việc xoá bỏ thuế quan là ô tô, động cơ phụ tùng ô tô, xe máy, sữa và các sản phẩm chế biến từ sữa, bánh kẹo, thức ăn gia súc, sản phẩm nhựa, phôi thép, lốp ô tô, máy điều hoà, máy làm lạnh, vô tuyến, tàu thuyền.
Liên quan đến vấn đề này, ông Võ Trí Thành cũng cho rằng, hội nhập vừa là cơ hội, vừa là thách thức và có không ít rủi ro. Song rủi ro lớn nhất của không hội nhập là không có sự phát triển đi cùng thời đại. Đồng thời, hộ nhập mới chỉ là điều kiện cần chứ chưa phải đủ để cho phát triển kinh tế.
Theo VnMedia