Người tiêu dùng có thể phân biệt bằng cách xem mã vạch trên sản phẩm, mã vạch 880 là Hàn Quốc, mã vạch 690 đến 695 là của Trung Quốc.

 


Nói về cách phân biệt nấm kim châm Trung Quốc và Hàn Quốc trên thị trường, ông Oanh cho biết: Đầu tiên là chất lượng bao bì, chất liệu ni - lông của nấm Kim châm Hàn Quốc cầm vào mềm tay, chất liệu in rõ ràng, màu sắc tươi tắn. Trong khi, bao bì hàng Trung Quốc cứng và đục hơn.

Thứ hai, thông tin về đơn vị phân phối, nhập khẩu in trên bao bì, có logo nhà phân phối được in đầy đủ, rõ ràng trên bao bì. Người tiêu dùng có thể phân biệt bằng cách xem mã vạch trên sản phẩm, mã vạch 880 là Hàn Quốc, mã vạch 690 đến 695 là của Trung Quốc.

Về mặt cảm quan, nấm kim châm Hàn Quốc có màu trắng ngà voi chứ không trắng tinh như nấm kim châm Trung Quốc.

"Từ trước đến nay, người tiêu dùng dường như không để ý tới nguồn gốc các loại nấm, nhưng có lẽ từ sau thông tin nấm không rõ nguồn gốc được bày bán trong siêu thị Big C và Fivimart thì người tiêu dùng sẽ quan tâm đến nguồn gốc xuất xứ các loại nấm mà họ mua về sử dụng", vị đại diện này cho biết.

Chia sẻ về những thông tin trong việc lựa chọn và sử dụng nấm, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học - Công nghệ thực phẩm, Đại học Bách Khoa Hà Nội cho biết: "Bản thân nấm có hàm lượng dinh dưỡng như protein, vitamin, khoáng chất rất cao. Nên nấm là một trong những thực phẩm quý và ngon. Tuy nhiên, người trồng nấm cần rất chú ý trong việc chọn giống ban đầu. Bởi phải cần đến những trung tâm chọn giống tin cậy để chọn ra những loại nấm không bị lẫn tạp chủng".

Giải thích về điều này, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh cho rằng: Trên thực tế, nấm là một khối dựa trên sự liên kết của rất nhiều những sợi nấm tập hợp lại tạo thành một khối nấm, cây nấm. Trong hàng triệu sợi nấm như vậy, có lẫn như sợi nấm lành, là những sợi nấm không gây độc và những sợi nấm độc. Với những loại nấm chứa những sợi nấm độc, có thể gây ra tình trạng nhiễm độc, tuy nhiên không phải là ngộ độc. Nhưng, nếu tỷ lệ những sợi nấm độc nhiều, có thể gây ra tình trạng ngộ độc, thậm chí gây tử vong.

Bên cạnh đó, nấm là loại thực phẩm rất nhanh hỏng vì chứa nhiều protein có nguy cơ phát triển các vi sinh vật gây độc nhiều hơn. Do vậy, người tiêu dùng cần phân biệt được nấm khi đã bị hỏng, tránh tình trạng "tiếc của", sử dụng nấm khi không đảm bảo chất lượng dẫn đến nguy cơ nhiễm độc, thậm chí ngộ độc.



Theo GDVN